Tam tai…

1. Tai nạn đầu tiên là VPF đang hoạt động tích cực bỗng gãy hàng loạt kế hoạch khiến bóng đá Việt Nam lỡ phóng lao phải điêu đứng. Bắt đầu từ khi “thủ lĩnh” Nguyễn Đức Kiên bị bắt, mọi hoạt động của VPF trật nhịp hẳn, trong đó mất rất nhiều khoản bảo trợ từ các đơn vị làm ăn với bầu Kiên. Kế hoạch kiếm tiền nuôi các đội bóng và bản quyền truyền hình mang đến lợi nhuận lớn cho các đội giờ chỉ tồn tại trên giấy trắng mực đen. Còn phần thực hiện thì nhiều nhà bảo trợ vẫn còn nợ tiền quảng cáo mùa trước khiến mùa này day dứt với khoản tiền âm (-).

2. Tai nạn tiếp theo là hàng loạt các ông bầu bỏ của chạy lấy người khiến bóng đá Việt Nam điêu đứng.

Quen ăn dày, cầu thủ bây giờ nặng đầu vì tiền tỉ bị cắt nên cũng ảnh hưởng xuống đôi chân. Trong khi đó, nhiều ông bầu đã cạn nguồn và khi nhận ra bóng đá không còn là mảnh đất màu mỡ để “vắt sữa”; hoặc không còn là những cầu nối hữu hiệu để làm kinh tế từ những mảng khác thì bắt đầu quay lưng lại bỏ đội không thương tiếc.

Mùa giải mới đã đến hạn đăng ký mà bây giờ danh sách các đội bỏ ngang tăng dần lên, trong khi đó đội lại tình nguyện ở lại lớp (hạng Chuyên nghiệp xin xuống đá hạng Nhất, hạng Nhất xin làm bóng đá phong trào…).

Mùa bóng mới sĩ số giảm mạnh mà cũng không chắc sĩ số yếu đấy duy trì được đến cuối mùa bởi các ông bầu “thời tiết” thất thường.

3. Tai nạn nặng nhất là thất bại của đội tuyển tại AFF Cup.

Đã có nhiều nguyên nhân phân tích và đã có người nhận trách nhiệm (HLV trưởng Phan Thanh Hùng) nhưng chắc chắn đấy không phải là trách nhiệm chính. Vấn đề cơ bản là công tác quản lý ở nhiều cấp xuống đến đội tuyển.

Dư luận đang yêu cầu những cái tên chóp bu ở bộ máy VFF từ chức cùng với ông Hùng nhưng cá nhân tôi lại thấy rằng việc ép ông này, ông nọ từ chức vẫn không giải quyết được phần gốc của vấn đề.

Điều cơ bản là những người tài, những bộ óc quản lý bóng đá có trình độ về lý luận lẫn chuyên môn đã không được tập hợp đầy đủ trong bộ máy nhiều ê-kíp, bè phái.

Phần gốc của cầu thủ ở môi trường CLB cũng không được giáo dục tốt và tác động của đồng tiền đã làm giảm đi tinh thần thi đấu vì màu cờ sắc áo. Nó cũng là căn bệnh chung từ nhiều bộ phận nơi một nền bóng đá đang bị “hóa trị” bởi đồng tiền. Và sự sa sút chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng đến bộ máy rồi xuống dần đến cầu thủ.

▲▲▲

Sau tam tai trên, những nhà chuyên môn còn tính đến một cái “tai” khác đó là khả năng đại hội bất thường xảy ra và đấy lại là một cuộc sắp ghế, đổi người nhiều hơn là sự kết tinh của những người tài bỏ bê bóng đá hoặc bị đẩy ra ngoài ê-kíp.

Sắp lại một bộ máy giờ không còn là việc riêng của tổ chức xã hội nữa mà phải là việc chung của ngành, của bộ cùng quan điểm và ý thức vận hành mới thực sự vì bóng đá.

NGUYẾN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm