Thai-League ‘phủ sóng’ sang Việt Nam

Thái Lan từng tự hào với thủ môn Kawin Thamsatchanan sang châu Âu thi đấu cho CLB nhà nghề của Bỉ nhưng gần đây cái tên Đặng Văn Lâm bỗng nổi đình đám với bóng đá Thái Lan.

Nếu năm 2002 bóng đá VN từng gây sốt với cuộc đón tiếp đình đám Kiatisak về phố núi thì vừa qua Bangkok nóng rực với cái tên Đặng Văn Lâm không hề thua kém. Từ việc liên hệ bồi thường cho CLB Hải Phòng để có Đặng Văn Lâm đến đặt bút ký hợp đồng hay ồn ào từ khâu kiểm tra y tế rồi họp báo đình đám… tất cả đều là một chiến dịch rầm rộ có mục đích.

Không khó để nhận ra Đặng Văn Lâm kể từ khi qua Muangthong United cầu thủ Nga gốc Việt này chuyên nghiệp hơn kể cả trong từng lời ăn tiếng nói hay cách thể hiện trước micro với rừng ống kính. Thực chất thì tất cả đều nằm trong một kịch bản rất chi tiết của Muangthong United và của cả những người điều hành Thai-League. Nói như những người chuyên làm sự kiện tại VN thì “Văn Lâm phát biểu không thừa một chữ và chỉ nói những điều cần nói để nâng giá trị của CLB lẫn Thai-League”.

Hình ảnh quảng bá Đặng Văn Lâm về Muangthong United rầm rộ chỉ là một phần của chiến dịch thương mại của Thai-League. Ảnh: SIAM SPORTS

CLB Buriram United nơi Xuân Trường đầu quân rầm rộ không kém gì Premier League. Ảnh: BANGKOK POST

Bây giờ thì chính những nhà làm bóng đá VN đang đặt ra những bài toán của các nhà điều hành Thai-League trong chiến dịch chạy trước các giải quốc gia khu vực Đông Nam Á. Nó không chỉ là đích nhắm các cầu thủ VN chất lượng mà còn được yêu thích và “chiếm sóng” người hâm mộ VN nhằm phục vụ cho cả bài toán thương mại. Sau Đặng Văn Lâm là Lương Xuân Trường cập bến CLB Buriram United và chắc chắn sẽ còn những cầu thủ khác đang được nhắm đến nữa.

Cứ xem cái cách những nhà tổ chức Thai-League mở rộng quota cho cầu thủ Đông Nam Á sẽ dễ nhận ra đó là chìa khóa để các CLB Thái Lan tìm đến những ngôi sao ở AFF. Đó không đơn thuần là phục vụ cho CLB về mặt chuyên môn mà còn nhắm đến giá trị bản quyền Thai-League mà các CLB được hưởng tỉ lệ với đơn vị tổ chức. Cách làm mà chính những nhà tổ chức Thai-League được học từ bóng đá Anh với cách làm được xem như phiên bản của Premier League.

Dự báo sắp tới bản quyền truyền hình Thai-League sẽ sang VN tìm đối tác và từ đấy các mặt hàng trong dãy hàng hóa thương mại Thái Lan đã tràn sang VN sẽ có điều kiện để quảng bá sản phẩm thông qua Thai-League.

Nói như những nhà làm bóng đá Đông Nam Á thì Thai-League đã đi trước một bước từ cách làm bài bản mà họ trung thành với đường đi nước bước và bài học từ Premier League. Sau phần “xây dựng cơ bản” Thai-League, người Thái bắt đầu nhắm đến các thị trường thông qua cầu thủ VN và nhiều cầu thủ tiếng tăm ở Đông Nam Á.

Cùng đá Thai-League nhưng Đặng Văn Lâm khác Xuân Trường

Điểm khác biệt ở đây là “tư cách cầu thủ”. Nếu Đặng Văn Lâm là cầu thủ có thể tự quyết qua những thương thảo với CLB cũ (Hải Phòng) và Muangthong United thì Lương Xuân Trường vẫn còn những “ràng buộc nhất định” với CLB HA Gia Lai do vướng thỏa thuận trong hợp đồng đào tạo. Thỏa thuận mà trước đây khi bắt đầu vào lò HA Gia Lai - Arsenal JMG người thay mặt ký hợp đồng đào tạo và phục vụ của cầu thủ nhí năng khiếu Lương Xuân Trường là phụ huynh cầu thủ này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm