Tổng thống Putin trước đại dịch doping ở Nga

Đại dịch doping đấy ảnh hưởng đến cả đoàn VĐV Paralympic của Nga cũng có khả năng nhận lệnh cấm tham dự Paralympic Rio - Brazil. Sau thời gian dài không bình luận điều gì về đại dịch trên, lần đầu tiên Tổng thống Nga Vladimir Putin đăng đàn và bày tỏ chính kiến.

Trong cuộc họp nội các Nga ngày 22-7, Tổng thống Putin nêu quan điểm: “Thể thao chân chính không có chỗ cho doping!”.

Tòa án Thể thao Quốc tế (CAS) cũng vừa bác đơn kháng án của Nga khi nhiều tổ chức yêu cầu cấm tất cả VĐV của các môn thể thao Nga tham dự Olympic và kể cả Paralympic.

Có một chi tiết đáng chú ý là khi CAS bác đơn kháng cáo của thể thao Nga thì cả tổ chức này lẫn Cơ quan Chống doping Thế giới (WADA) đều cho rằng có phần trách nhiệm rất lớn thuộc về Ủy ban Olympic Thế giới (IOC). Họ phân tích: “Vì sao “ung nhọt” VĐV điền kinh Nga dính doping cả thập niên nay song không được phát hiện và phanh phui sớm cùng lệnh trừng phạt kịp thời, mà phải đến khi WADA thành lập những bộ phận chuyên trách truy cứu và tấn công mạnh thì hàng loạt vụ gian lận trong doping của nhiều kỳ Olympic mới lộ ra.

Hình ảnh này có thể sẽ không được thấy tại Olympic Rio vào tháng 8-2016 tại Brazil.

Tổng thống Nga Putin rất mê thể thao vì ông từng là một cựu võ sĩ judo thế giới nhưng trước đại dịch doping, ông không hề bênh vực thể thao Nga. Ảnh: GETTY IMAGES

Hàng loạt vụ doping của Nga tại các kỳ Olympic Bắc Kinh (2008), Olympic London (2010), Olympic mùa đông Sochi (2014)… đến tận bây giờ mới được bóc trần.

WADA đã phanh phui ra hàng loạt vụ tráo mẫu thử doping liên quan đến các quan chức phòng thí nghiệm doping bị mua chuộc để đưa ra kết quả không trung thực. Nhiều quan chức lẫn bác sĩ, các nhân viên phòng thí nghiệm doping đã bị đình chỉ nhiệm vụ, bị cho thôi việc và bị điều tra.

Đến nay đã có 14 phòng thí nghiệm doping của 14 quốc gia trong đó có Mỹ, Đức, Canada… đều đề nghị cấm đoàn thể thao Nga tranh tài tại Olympic Rio - Brazil vì duy nhất các phòng thí nghiệm của Nga do nhà nước chi phối. Điều này đi ngược với phương châm chung là phòng thí nghiệm doping phải là cơ quan hoạt động độc lập, không bị sự chi phối bởi nhà nước sở tại thì mới đảm bảo tính trung thực và khách quan.

Tổng thống Putin vốn là một võ sĩ judo có hạng và ông hiểu sự gian lận trong thể thao bằng doping sẽ mang lại hệ quả rất tồi tệ không chỉ cho quốc gia đấy mà cho cả thể thao thế giới. Ông hiểu cuộc chơi và biết những sai phạm đấy là không thể chấp nhận được nên không phản ứng trước nguy cơ thể thao Nga bị “cấm vận” tại một kỳ Olympic, mà ngược lại còn tỏ thái độ ủng hộ việc trừng phạt với những bằng chứng rành rành.

Riêng cựu Tổng thống Mikhail Gorbachov thì kêu gọi IOC, WADA và Liên đoàn Điền kinh Thế giới (IAAF) trong hoàn cảnh này hãy chỉ cấm những VĐV dính doping mà thôi. Ông lý giải: “Với đoàn thể thao Nga thì vẫn còn hàng trăm VĐV chân chính khác ngày đêm miệt mài tập luyện mà cấm họ tham dự đại hội thể thao thế giới thì thật là bất công!”.

Đứng trước Olympic Rio - Brazil sắp diễn ra lần này thì Nga là cường quốc thể thao thế giới nên việc vắng đoàn thể thao Nga sẽ làm cho nhiều môn mất đi tính cạnh tranh đáng chú ý cũng như việc chạy đua giữa các đoàn Mỹ, Nga và Trung Quốc sẽ bớt đi tính hấp dẫn vốn được kỳ vọng qua mỗi kỳ Olympic.

IOC đứng trước thách thức và phán quyết lịch sử

Trước sức ép trên, phía Ủy ban Olympic Thế giới đang rất thận trọng trước khi ra phán quyết vì những vấn đề liên quan, thậm chí là có thể ảnh hưởng đến chính trị như thời đen tối Olympic bị chia rẽ bởi các thế lực.

Nếu đoàn thể thao Nga bị cấm dự Olympic Rio - Brazil thì nguy cơ tái hiện thời kỳ thể thao thế giới chia rẽ như năm 1980 (liên tiếp xảy ra các vụ tẩy chay của các đoàn thể thao Mỹ tại Olympic Moscow năm 1980). Sau đó đến lượt đoàn thể thao Nga đáp trả lại tại Olympic Los Angeles năm 1984.

Sau khi Tòa án Thể thao Quốc tế đã ra phán quyết cuối cùng bác bỏ kháng án của đoàn thể thao Nga, IOC đang đứng trước những quyết định mang tính lịch sử và cũng đầy thách thức.

 Đ.TRƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm