Bầu Đức tiếp tục canh bạc xuất ngoại cầu thủ

Người cho rằng ông bầu phố núi tự làm suy yếu mình vì HA Gia Lai không có đội hình mạnh nhất để cạnh tranh ở V-League. Người thì nghĩ bầu Đức tính nước cờ cao hơn lợi ích cá nhân mà cái đích là cung cấp nhân tài cho các đội tuyển quốc gia.

12 năm trước, bầu Đức tiên phong mở học viện làm bóng đá bài bản nhất trên cả nước. Ông đã chi rất nhiều cho canh bạc đào tạo cầu thủ trẻ mà phía đối tác JMG hứa hẹn sẽ chuyển nhượng dễ dàng ở làng bóng châu Âu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, cầu thủ ở Học viện HA Gia Lai không thể khoác áo những CLB lớn như mong ước. Một số cầu thủ giỏi nhờ các mối quan hệ của bầu Đức có dịp thử sức ở một vài đội bóng tại Hàn, Nhật vẫn cho thấy họ chưa đủ tầm vóc.

Thế nhưng một lần nữa, bầu Đức tự tin cho Công Phượng sang Hàn, Xuân Trường đi Thái đá bóng khi định vị tài năng và kinh nghiệm của họ vừa đủ chín chắn để vùng vẫy ở làng bóng xứ người.

Bầu Đức với lứa cầu thủ trẻ ngày nào trưởng thành dần và đóng góp nhiều cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: CTV

Tham vọng của bầu Đức thể hiện rõ trong suốt quá trình duy trì học viện bóng đá trẻ không chỉ là nguồn cung cho CLB mà như ông nói là mình nghĩ lớn hơn cho các đội tuyển quốc gia. HA Gia Lai thời của Kiatisak và đồng đội đã mang về cho bầu Đức nhiều danh hiệu lớn của bóng đá quốc nội. Cộng thêm với việc chán chường chạy đua vung tiền mua thành tích ở V-League đã khiến ông đổi hướng mở học viện đào tạo cầu thủ giỏi.

Không chỉ có lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đã từng chơi bóng ở nước ngoài, bầu Đức còn nhiều cầu thủ khác ở các lớp dưới lặng lẽ xuất ngoại đá bóng mà không chút ngại ngùng. Đấy là nhờ sự trang bị những kiến thức văn hóa, đặc biệt là cái nền ngoại ngữ thông thạo của cầu thủ xuất thân từ học viện. Kỹ năng ấy luôn là một yếu tố rất quan trọng mà không phải cầu thủ nào ở các đội bóng khác cũng có. Nhưng nó luôn là một hành trình bắt buộc của Học viện HA Gia Lai. Bầu Đức giúp đỡ học viên của mình phải tốt nghiệp ĐH với quan niệm họ dù không trở thành cầu thủ giỏi thì cũng có cái phông văn hóa của một công dân tốt.

Bầu Đức có thể tiếp tục thua ở V-League mùa này nhưng ông sẽ thắng từ lối suy nghĩ và cách làm riêng biệt của mình ở thuật “trồng người” trong lĩnh vực bóng đá.

Cầu thủ Việt xuất ngoại chơi bóng!

Sau khi đăng quang AFF Cup 2018, thủ môn Đặng Văn Lâm có ngay CLB Muangthong của Thái Lan săn đón trong khi Xuân Trường về đầu quân cho Buriam United và Công Phượng sang Hàn Quốc chơi bóng.

Xuyên suốt cả gần 20 năm, từ thời Huỳnh Đức đi Trung Quốc đá cho Lifan, rồi sau có Việt Thắng, Lương Trung Tuấn sang Thái hay Công Vinh thử việc ở Bồ Đào Nha, Nhật… cứ như cuộc dạo chơi cùng các thương vụ khác ngoài bóng đá.

Nay thì đùng một cái, sau AFF Cup 2018, làn sóng cầu thủ Việt xuất ngoại ở vị thế khác. Hầu hết các học trò ông Park đều có tuổi đời rất trẻ (bình quân ở Asian Cup là 23 tuổi) nhưng đã tích lũy nhiều kinh nghiệm và bản lĩnh qua những trận mạc quốc tế và đã được để mắt đến.

Không chỉ có Văn Lâm, Xuân Trường, Công Phượng mà còn một số đội bóng lớn cũng muốn có chữ ký của Quang Hải, Văn Hậu…

Điều quan trọng hơn, giá trị cầu thủ Việt tăng lên trong mắt các tuyển trạch viên nước ngoài là một tín hiệu vui cho làng bóng quốc nội.

Đầu năm Kỷ Hợi, làng bóng Việt vui với nhiều cầu thủ xuất ngoại để đá bóng thực thụ.

GIA HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm