‘Bố Hải vẫn còn mãi với bóng đá Việt Nam!’

Không lâu sau khi bố Lê Thụy Hải nằm xuống, cựu tuyển thủ Vũ Như Thành đã chia sẻ: Tạm biệt Bố.... cuộc đời có người yêu người ghét, không ai hoàn hảo cả như câu bố thường nói “Nhân vô thập toàn” nhưng có một điều mãi trong tâm trí con Bố là một người đàn ông gai góc, sống rất “ĐỜI” và giàu tình cảm, thương yêu dạy dỗ cầu thủ một cách rất đặc biệt. Dù yêu hay ghét nhưng có một điều con chắc chắn rằng tất cả luôn phải tôn trọng Bố.

Có những câu Bố nói mà 5, 10 năm sau ngẫm lại mới thấy nó đúng và có giá trị như thế nào trong bóng đá cũng như trong cuộc sống.

Đời vô thường...

Bố an nghỉ...

Những hình ảnh cuối khi đội bóng cũ B. Bình Dương đến thăm
sau lần phẫu thuật cuối. Ảnh: BBD

Cùng thủ môn Lưu Kim Hoàng, HLV Trần Duy Long kể về trận cầu lịch sử
đầu tiên của bóng đá hai miền sau ngày thống nhất đất nước. Ảnh: TRÍ DŨNG

Từ cầu thủ đến HLV đầy cá tính

Cựu tuyển thủ Thúy Nga thì nhắc lại những kỷ niệm và những bài học được bố Hải dạy rất đời thường nhưng chị luôn thuộc nằm lòng:

Vĩnh biệt chú, một HLV đầy cá tính. Vẫn nhớ mãi câu nói đầy tự tin của chú: “Xưa chú đá tiền vệ Đường Sắt, khi thi đấu lúc nghỉ ra đường biên uống nước cũng có đứa chạy theo kèm chú”, hay lời dạy: “Khi nào đối diện cầu môn, góc hẹp cháu cứ sút tốc nóc, sút góc cao thật mạnh là ghi bàn!”.

Nói về đời cầu thủ thì ông Lê Thụy Hải có rất nhiều giai thoại. Có lần ông đến tận báo Pháp Luật TP.HCM dự lễ công bố nhà tài trợ giải Fair Play và chia sẻ rất thú vị về dấu ấn lịch sử của bóng đá Việt Nam, trong trận đầu tiên của bóng đá hai miền sau ngày đất nước thống nhất giữa Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn. Trận đấu mà ông ghi bàn vào lưới thủ môn kỳ cựu Lưu Kim Hoàng nhưng điều ông nhắc đến nhiều nhất lại là cái tình của khán giả miền Nam với những cầu thủ miền Bắc như ông thời bấy giờ.

Sau này, bước chân sang làm HLV, đặc biệt là khi bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp thì ông Hải là người hiếm hoi dám “đấu” với các ông chủ, ông bầu ỷ thế bỏ tiền làm bóng đá và lấn sân cả những HLV.

“Bật” ngay với những ông chủ cầm sa bàn lấn chuyên môn HLV

Đã có không ít HLV mất chất không dám thể hiện phần chuyên môn của mình mà chỉ răm rắp nghe theo ông chủ. Nhiều HLV ký một hợp đồng 50-70 triệu hoặc 100 triệu đồng và đã trở thành người làm công ngoan ngoãn và chấp nhận phần chuyên môn, nghiệp vụ của mình cũng “trao” cho ông chủ. Bằng chứng là không ít lần người xem thấy cảnh rất ngứa mắt, đó là các ông bầu cầm sa bàn chỉ đạo, còn HLV trưởng thì chỉ biết đứng nhìn phần việc của mình bị người trả lương làm thay.

Cũng có HLV khi an thân ở một đội bóng có lương cao thì tìm cho mình một chỗ dựa, một êkíp để hằng tháng lương lại “ting ting” về hơn là phát huy phần chuyên môn của mình. Nhưng với HLV Lê Thụy Hải thì khác. Bao giờ khi về với một đội bóng, ông cũng mất nhiều thời gian với phần thương thảo cùng ông bầu, hay nói đúng hơn là người bỏ tiền nuôi đội bóng. Thời gian lâu cho phần thương thảo đấy không nằm ở phần lương, thưởng, ở thành tích mà là quyền hạn cụ thể nếu ông nhận lời làm HLV. Trong các phần thương thảo liên quan đến quyền hạn của ông Hải với bất kỳ đội bóng nào ông nhận lời bao giờ cũng có câu: “… HLV trưởng là người chịu trách nhiệm tất cả về chuyên môn và không ai được can thiệp vào phần việc chuyên môn của HLV trưởng”.

Dù phân quyền rõ ràng đấy nhưng cũng có lúc ông Hải bị ông chủ giành cầm sa bàn, giành việc chỉ đạo. Cụ thể là khi làm cho đội Hà Nội, khi bị bầu Kiên xuống chỉ đạo, ông liền nói ngay: “Nếu anh có thể thay được phần việc của tôi thì anh cứ làm, tôi về không làm HLV đội của anh nữa. Nhà tôi ở Hà Đông chỉ 30 phút đi xe là tới nhà!”.

Người luôn muốn giữ cái đẹp cho bóng đá

Ngay cả việc thuê hay nhận cầu thủ ngoại, cầu thủ nội ngôi sao cũng thế. Ông Hải từng tâm sự: “Thời bóng đá chuyên nghiệp cái gì cũng tiền tỉ thì việc nhận cầu thủ có khi cũng được tiền tỉ nhưng mình đã ăn lương cao rồi, gật đầu nhận cầu thủ không ra gì để họ hối lộ vài trăm triệu hay tiền tỉ thì mặt mũi nào với nghề, với tổ nghề. Thế nên tôi rất rõ ràng khi nhận cầu thủ. Tôi nói với lãnh đạo tôi cần cầu thủ X, Y, Z… đó phục vụ cho lối chơi của đội, việc ký hợp đồng hay làm việc với người đại diện cầu thủ là của các ông, tôi không dây vào như các HLV khác”.

Ở tuổi 76, sức khỏe ông Hải bị ảnh hưởng rất nhiều bởi chứng bệnh ung thư tụy quái ác hành hạ ông suốt hơn bốn năm qua. Dù bệnh nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian cho bóng đá vì ông tự nhận mình là người của bóng đá và bóng đá đã cho ông rất nhiều.

So với nhiều đồng nghiệp, ông là HLV hiếm hoi thành công ở cả cương vị cầu thủ lẫn HLV một cách bền bỉ như một cuộc chạy marathon mà đến lúc đau yếu rồi ông vẫn nghĩ đến cái đẹp cho bóng đá Việt.

Còn nhớ ngày ban tổ chức giải Fair Play trao danh hiệu Vinh danh Fair Play - Thành tựu trọn đời cho ông và mời ông vào nhận giải thì ông nhỏ nhẹ chia sẻ: “Tôi hóa trị, xạ trị rồi phẫu thuật đủ cả. Giờ người xấu xí như cột cháy, tôi không muốn vào nhận giải mà làm xấu cho sân khấu của các bạn đâu. Các bạn thông cảm với tôi, cho tôi gửi lời cám ơn và nhờ anh Lưu Kim Hoàng nhận giúp tôi nhé. Anh bạn mà tôi từng sút tung lưới năm 1976 trong trận cầu đầu tiên giữa hai miền sau ngày thống nhất chắc sẽ vui vẻ giúp tôi… Các bạn trao giải cho bóng đá đẹp và tôi muốn góp một phần cho cái đẹp trên sân khấu của các bạn đấy…”.

Trưa 7-5, con trai ông liên lạc bằng chính số máy của ông và thông báo ông đã ra đi lúc 11 giờ 08 phút. Dẫu biết là ông đã hy sinh và chịu đựng suốt hơn bốn năm qua với căn bệnh ung thư nhưng giới bóng đá ai cũng xót xa và tiếc cho một HLV cả đời tận tụy với bóng đá bằng cái chất rất riêng của “người đặc biệt”.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm