Bóng chưa lăn đã rối

Do đội K. Kiên Giang không xác nhận tham dự giải nên V-League 2014 chỉ còn 13 đội. Vì thế, đương nhiên phải có một đội nghỉ ở mỗi vòng đấu và điều đó rất dễ gây nghi ngờ có tiêu cực. Hơn nữa, đại diện của HA Gia Lai phản ứng với việc VPF đưa ra mã số chọn đội nghỉ đấu cả hai vòng đấu và vòng cuối rơi vào mình là không công bằng. Điều này chẳng khác gì học sinh bị tước quyền đi khai giảng lẫn kỳ thi cuối cùng. Quan trọng hơn, HA Gia Lai sẽ chịu nhiều thiệt thòi với cảm giác của một người ngoài cuộc và không còn có quyền tự quyết ở vòng đấu cuối nếu họ vẫn có cửa vô địch.

Hôm qua, ông Huỳnh Mau đã gửi công văn kiến nghị lên VPF xem xét lại việc phân chia hợp lý cho các CLB nếu không thể đá trận khai mạc cùng lúc thì phải được chơi trận bế mạc. Ông Mau lý giải: “Bóng đá phục vụ cho công chúng và mang niềm vui đến người hâm mộ nhưng HA Gia Lai lại không thể tổ chức cả hai trận khai mạc lẫn bế mạc thì vô lý quá. Chúng tôi sẽ phản đối kịch liệt cho đến khi nào VPF cho bốc thăm lại mới thôi”.

Bóng chưa lăn đã rối ảnh 1

Mùa giải 2014 vẫn còn đang rối tinh bởi số đội lẻ, còn ban tổ chức thì chưa có phương án hạn chế tiêu cực. Ảnh: XUÂN HUY

Về vấn nạn tiêu cực, Tổng Giám đốc PFV Phạm Ngọc Viễn trấn an các thành viên dự giải sẽ có những giải pháp phòng và chống quyết liệt, đặc biệt ở những vòng đấu cuối. Vấn đề là khi đại diện của SL Nghệ An chất vấn về giải pháp cụ thể nào trong việc chống tiêu cực hiệu quả thì ông Viễn ngọng. Thực tế những mầm mống và nguy cơ tiêu cực tại V-League còn ngổn ngang hết mùa này đến mùa khác nhưng hiệu quả phòng, chống vẫn chưa như mong muốn. Chẳng hạn, việc chứng minh bầu Hiển có ảnh hưởng đến nhiều đội bóng cùng chơi V-League mấy mùa rồi không xong hoặc cách xử phạt nghi án tiêu cực chưa thuyết phục dẫn đến XMXT Sài Gòn năm ngoái bỏ ngang cuộc chơi.

Rõ ràng các nhà làm giải nói và làm vẫn còn một độ vênh rất lớn ở nhiều ngóc ngách mà suốt hơn 10 năm học chuyên nghiệp vẫn chưa lường hết độ khó. Ví như Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng năm ngoái từng cam đoan chắc chắn không có đội nào bỏ giải thì trong và sau V-League 2013 có hai đội rụng. Hay việc VPF cao giọng cam kết mùa bóng 2014 sẽ tận thu khoảng 120 tỉ đồng thì chỉ có 86 tỉ đồng. Con số này thực chất là của chính các CLB đóng góp dự giải lẫn của một ít ông bầu còn gồng nổi mình đóng tiền quảng cáo theo kiểu lấy mỡ nó rán nó. Đấy không phải tiền bán sản phẩm bóng đá chất lượng đúng nghĩa.

Ngoài ra, VPF sẽ “giữ chân” các CLB cho đến giờ chót chỉ có ý nghĩa về mặt giấy tờ qua việc chứng minh tài chính (mỗi đội V-League là 35 tỉ đồng, hạng Nhất 20 tỉ đồng). Bởi họ không thể kiểm soát nguồn thu thực tế của đội bóng như vừa xảy ra với K. Kiên Giang khiến phải xóa sổ CLB và gây nhiều thiệt hại cho cầu thủ.

Bên cạnh đó, hai giải đấu V-League và hạng Nhất mùa bóng mới vẫn chưa thể tìm ra trưởng ban tổ chức giải sau khi ông Trần Duy Ly, Nguyễn Hữu Bàng xin rời ghế nóng.

Trông chờ U-23 cứu cánh

Những nhà điều hành bóng đá Việt Nam giờ chỉ trông chờ vào tâm điển U-23 với hy vọng thành công ở SEA Games 23 sẽ xóa đi tất cả bê bối và tệ hại ở những sân chơi khác. Chính chủ tịch VFF cũng vừa lên tiếng là mọi thứ giờ chỉ tập trung cho đội U-23 chơi ở sân chơi khu vực còn các giải khác là quá tầm (!?).

Bóng chưa lăn đã rối ảnh 2

Với suy nghĩ đấy, rõ ràng bóng đá Việt Nam khó tiến được đặc biệt là khi niềm tin của người hâm mộ đang xuống rất thấp vì những trận thua muối mặt của đội tuyển, trong khi V-League và hạng Nhất thì đá như đùa bởi tệ nạn và tiêu cực…

A.BÌNH

THANH THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm