Bóng đá TP.HCM 'nợ' Nguyễn Kim Hằng nhiều lắm!

Đầu năm, đúng ngày mùng 1 Tết, cựu tuyển thủ và cũng là cựu HLV đội Đà Nẵng, ông Trần Vũ ngậm ngùi chia sẻ với tôi trong nỗi buồn khi vừa mất đi một người anh, một người đồng nghiệp đáng kính.

Trung vệ Kim Hằng (thứ hai hàng đứng từ trái sang) cùng Hải Quan hạng nhì quốc gia năm 1982-1983. Ảnh: TƯ LIỆU

Còn nhớ khi làm những chương trình “Đội tuyển Tôi yêu” của Đài K+, MC, bình luận viên Lý Quý Chánh mỗi khi nói đến đội bóng mà anh yêu mến và thần tượng thì anh Chánh vẫn trân trọng nhắc đến hai chữ Hải Quan. Đội bóng mà nhắc đến các thời kỳ ngang dọc từ cái tên Quan Thuế trước đây sang Hải Quan một thời của bóng đá TP.HCM thì ai cũng nhớ đến người “anh cả” Nguyễn Kim Hằng.

Có lần ngồi tâm sự với cựu trung phong số 1 Việt Nam Nguyễn Cao Cường, khi hỏi thời hoàng kim những năm 1980 anh ngại hàng thủ nào nhất thì anh Cao Cường chia sẻ: “Hồi đó mỗi lần gặp Hải Quan khi đối mặt với cặp trung vệ Nguyễn Kim Hằng, Phan Văn Tần là ngại lắm. Ngại vì đá kiểu nào các anh ấy cũng chơi được. Trung vệ mà đá đầu óc lắm, có lúc đá đau, đá rát mà vẫn không phạm luật…”.

Trung vệ thép Nguyễn Kim Hằng (thứ hai hàng ngồi từ phải sang) trong đội hình xuất sắc bóng đá TP.HCM năm 1985. Ảnh: TƯ LIỆU

Còn nói như ông Lê Thế Thọ, một tiền vệ ngang dọc một thời và là lứa đàn anh của Cao Cường, Nguyễn Kim Hằng thì: “Hằng là số ít trung vệ Việt Nam đá bóng rất thông minh và “quái” nhất thời bấy giờ. Đấy là lý do mà sau này khi ở tuổi gần 40 Hằng có lúc vừa đăng ký HLV vừa đăng ký cầu thủ lúc đội Hải Quan “neo” người mà vẫn đảm đương được. Sau này làm HLV “hắn” cũng thế. Nhìn và phát hiện người tài rất giỏi. Có cầu thủ ở Cảng Sài Gòn chê hay Trường Năng khiếu Nghiệp vụ TDTT không nhận, về với Hằng vài mùa là trở thành cầu thủ trụ cột rồi có em lên cả đội tuyển. “Hắn” thường xuyên “bắt” cầu thủ đá “phủi” lên Hải Quan rồi nhào nặn biến thành tuyển thủ TP.HCM. “Hắn” không qua trường lớp nhưng cầu thủ nào qua tay “hắn” cũng mau trưởng thành bởi cái kiểu “liệu cơm gắp mắm” mà những đồng nghiệp của Hằng đều phải thừa nhận”.

Nếu bóng đá TP.HCM thời sau ngày thống nhất đất nước, nhiều người hay nhắc đến cái tên Phạm Huỳnh Tam Lang như một cầu thủ và người thầy, người HLV mẫu mực, thì Nguyễn Kim Hằng lại được xem là người anh em có tầm ảnh hưởng lớn về mặt xã hội trải qua nhiều thời kỳ. Một người anh “xù xì” nhưng bộc trực và thẳng thắn đầy tình nghĩa với bóng đá TP.HCM và rất trách nhiệm với lứa cầu thủ đàn em trong mọi hoàn cảnh.

Nguyễn Kim Hằng tham gia khoá học HLV AFC (bìa phải). Ảnh: QUỐC CƯỜNG

Chính những nhà lãnh đạo Sở TDTT TP.HCM những năm 1980-1990 vẫn hay chia sẻ về chuyện “Nhà có hai đứa con Cảng Sài Gòn và Hải Quan” trong đó nhắc nhiều đến Nguyễn Kim Hằng. Thời mà có lúc cầu thủ năng khiếu ra trường cho Cảng Sài Gòn lựa trước rồi “hàng dạt” thì đưa về Hải Quan. Thế mà Nguyễn Kim Hằng cũng “gật” kiểu cho gì xài nấy rồi thiếu người thì đi “bắt” cầu thủ đá “phủi” hay rủ các cầu thủ ở các tỉnh về đào tạo ghép cho đủ đội rồi đăng ký đá giải.

Đỉnh cao của Hải Quan thời HLV Nguyễn Kim Hằng nổi tiếng “lắp ghép” và nghệ thuật dùng người là chức vô địch quốc gia năm 1991 với trận chung kết thắng Quảng Nam Đà Nẵng trên sân Thống Nhất. Cũng từ chức vô địch đấy, Hải Quan có đến nửa đội hình được chọn vào đội tuyển quốc gia và HLV Nguyễn Kim Hằng được chọn tham gia ban huấn luyện đội tuyển dự SEA Games 16 – 1991. Kỳ SEA Games đầu tiên mà bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại đấu trường Đông Nam Á.

Có một giai thoại mà chính các HLV và những cầu thủ một thời hay nhắc đến người “anh cả" Nguyễn Kim Hằng đó là cứ lo chuyện bao đồng cho bóng đá TP.HCM và cho anh em cầu thủ “có tương lai”.

Dấu ấn của HLV Kim Hằng khi cùng Hải Quan mang chức vô địch Cúp Quốc Gia cho bóng đá TP.HCM mùa 1996. Trước đó là chức vô địch quốc gia 1991 và sau đó là thêm một lần vô địch Cúp Quốc Gia năm 1997.

Có lần ngồi tâm sự với anh Nguyễn Kim Hằng và được nghe anh than thở nỗi khổ thời bóng đá bao cấp: “Nghe tên đội Hải Quan thì thấy oách nhưng có ai biết hồi đó họ là đội nghèo và khó khăn về kinh phí thuộc dạng bậc nhất đâu em. Có những em về đội Hải Quan lương èo uột chỉ mong “có tương lai” là lúc treo giày được nhận vào biên chế. May mà hồi đó còn có chức vô địch năm 1991 nên lãnh đạo giải quyết cho một số em vào biên chế nên anh cũng đỡ áy náy với các em hết lòng vì đội Hải Quan, vì bóng đá TP.HCM…”.

Nghe câu chuyện anh tâm sự khi ấy lại nhớ đến giai thoại mà chính anh em ở đội Hải Quan kể lại có năm đội bóng phải ra miền Bắc thi đấu mà kinh phí chỉ đủ để di chuyển bằng xe ca còn tiền ăn, ở vẫn thiếu trước hụt sau. Thế là HLV Nguyễn Kim Hằng phải đi vay mượn khắp nơi thậm chí là còn đòi thế chấp ngôi nhà của mình ở quận Bình Thạnh để có thêm tiền hỗ trợ các anh em cầu thủ, giúp đội bóng duy trì sự tồn tại khi mỗi mùa là mỗi lo giải thể vì có lúc là gánh nặng của ngành.

Có lẽ cũng chính vì thế mà các đàn em trong đó có nhiều người đã thành danh và thành tài trong sự chăm lo của HLV Nguyễn Kim Hằng ngày nào vẫn luôn trân trọng và quý mến “anh cả” có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của mình.

Đến giờ nhiều người yêu mến đội Hải Quan, yêu mến bóng đá TP.HCM vẫn cho rằng bóng đá ở địa phương này vẫn còn nợ anh Nguyễn Kim Hằng rất nhiều. Nợ anh một chữ tình, nợ anh sự nhiệt thành của một người anh, người thầy chăm sóc cho một cái tên truyền thống lừng lẫy một thời để cuối cùng phải giải thể vì không có một người “bao đồng” và mải mê lo cho “tương lai” cầu thủ như anh vẫn âm thầm thực hiện.

HLV Nguyễn Kim Hằng lần cuối với cái tên Hải Quan khi trầy trật trụ hạng rồi đứng trước bờ giải thể. Ảnh: BẠCH DƯƠNG

Anh ra đi ở tuổi 64 là một bất ngờ và tiếc nuối lớn với làng bóng Việt dù bệnh tình đã lâu sau giai đoạn trôi nổi làm HLV và giám đốc kỹ thuật ở nhiều đội bóng khác sau khi đội Hải Quan giải thể. Càng tiếc hơn khi ao ước của anh có một đội bóng đúng chất và là của riêng TP.HCM với sự góp công, góp sức của những người con TP.HCM như Hải Quan, Cảng Sài Gòn ngày nào vẫn chưa thành…

Hy vọng một ngày nào đó không xa ao ước của anh sẽ thành hiện thực…

Tiếc nuối và ao ước trước khi nhắm mắt

+ Trong một lần tâm sự khi hỏi anh tiếc nuối điều gì nhất ở đời cầu thủ và HLV thì anh chia sẻ: “Đội Hải Quan xoá sổ thì tôi không ngạc nhiên vì biết thế nào cũng sẽ phải đến lúc đấy. Thế nên tiếc nuối nhất của tôi là cứ năn nỉ Trương Văn Dưỡng ở lại gồng gánh với đội Hải Quan trong khi Dưỡng đã có thể đi làm ở ngành như bao anh em khác. Chính vì ở lại gánh vác với đội mà Dưỡng “gặp nạn” và treo giày với nỗi đau nghiệp cầu thủ. Tiếc nuối tiếp theo là năm 1991 nửa đội hình Hải Quan tham gia đội tuyển quốc gia là một vinh dự nhưng vì không chịu được với điều kiện và hoàn cảnh khó khăn trong lần đầu đội tuyển tập trung, các em đã bỏ về và bị kỷ luật mất cơ hội khoác áo đội tuyển.

+ Trước khi mất, tâm nguyện của anh Nguyễn Kim Hằng với người thân là mong muốn được hiến xác cho công trình nghiên cứu và giảng dạy y học… Anh nói y học rất cần mình thì tiếc gì một thân xác cho y học và gia đình đã thực hiện lời tâm nguyện của anh.

+ Di ảnh của HLV Nguyễn Kim Hằng được đặt tại Nhà Tang Lễ TP.HCM (số 25 đường Lê Quý Đôn, Quận 3) từ 8 giờ ngày 6-2 đến 17 giờ ngày 7-2. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm