Bóng đá Việt Nam và thầy ngoại

Nó khiến cho suốt 20 năm qua, câu hỏi đội tuyển Việt Nam chơi theo phong cách nào vẫn không ai trả lời nổi.

Sắp tới, đội tuyển quốc gia lại sắp có HLV mới người Nhật và nói như đại diện VFF là thầy Nhật có kiểu huấn luyện lẫn văn hóa phù hợp với bóng đá Việt Nam. Điều này không mới vì có lần nào VFF chọn thầy cho đội tuyển lại chẳng nói là phù hợp!

Theo chúng tôi, ý tưởng hay nhất và phù hợp hơn trong bối cảnh hiện tại là việc Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng quyết định mời HLV Nhật và đặc biệt là ông giám đốc kỹ thuật cũng là người Nhật.

Giám đốc kỹ thuật được giới chuyên môn ví von như một kiến trúc sư trưởng của làng bóng với chức năng cố vấn chuyên môn, hoạch định chiến lược, lộ trình một cách bài bản và khoa học cho các đội tuyển quốc gia. Thế nhưng bóng đá Việt Nam chưa từng coi trọng vai trò của ông giám đốc kỹ thuật và thường làm theo kiểu khoán trắng đội tuyển cho HLV trưởng là xong.

Hơn 10 năm trước, bóng đá Việt Nam từng có một giám đốc kỹ thuật người Đức tên Rainer Wilfeld sang giúp đỡ theo chương trình hỗ trợ của hai quốc gia, tương tự như lần này quan hệ với bóng đá Nhật. Tuy nhiên, suốt gần tám năm ở Việt Nam, ông Rainer dù rất đam mê và tận tụy với những gì được giao phó nhưng tiếc là VFF đã lãng phí rất lớn chất xám của ông.

Ông Rainer vì yêu mến con người Việt Nam đã dốc lòng dốc sức cho bóng đá, dễ thấy nhất là hình ảnh ông cặm cụi với chiếc camera đặc chủng ghi hình lại các trận đấu của mình và đối thủ. Chính ông đã góp công rất lớn trong cuộc chinh phục ngôi á quân Tiger Cup 2002 mà điều đặc biệt là chỉ có HLV Calisto nhìn ra tầm quan trọng của ông bạn già Rainer.

Những người Nhật đã và sắp sửa giúp đỡ bóng đá Việt Nam chưa biết có thành công như mong muốn hay không nhưng cái được lớn nhất vẫn là cách sắp xếp hệ thống của một nền bóng đá có trật tự và bài bản hơn.

Mong là VFF sẽ giúp cho người Nhật một cơ chế và đồng thuận với các chuyên gia mà không tư lợi lẫn gây rối vì một tương lai mới.

CÔNG TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm