Jesus Navas vật lộn với bệnh “nhớ nhà”

Jesus Navas vật lộn với bệnh “nhớ nhà” ảnh 1

Navas bên gia đình nhỏ của anh

Căn bệnh có thể tấn công bất cứ ai. Song đáng buồn thay, nhiều người không nhận thức được lại coi thường và khinh miệt những người hay nhớ nhà và lo lắng.

Trong trận chung kết World Cup 2010 gặp Hà Lan, Navas tham gia vào đợt tấn công cùng với Torres, Fabregas để đưa bóng tới chân của Iniesta, trước khi tiền vệ kỳ cựu dứt điểm quyết đoán hạ thủ thành Stekelenburg mang vinh quang về cho Tây Ban Nha. HLV Del Bosque sau trận đấu nhận định Navas là cầu thủ “có thể thay đổi lối chơi của toàn đội”. Tại EURO 2012, Navas đã tự mình ghi bàn nhờ sự hỗ trợ hào phóng của Iniesta.

Một năm sau, tại trận bán kết giữa Tây Ban Nha và Italia ở Confed Cup, Navas sắm vai trò người hùng khi thực hiện cú sút luân lưu thứ 7 thành công mang về chiến thắng cho La Roja. Cú sút xé lưới Buffon còn mang ý nghĩa lớn lao với cá nhân Navas, đó chính là lời tuyên bố đoạn tuyệt với quá khứ của tân binh Manchester City.

Căn bệnh quái lạ

10 năm trước, Jesus Navas mắc căn bệnh quái lạ mang tên “nhớ nhà” rất trầm trọng. Cha và anh trai của Navas phải thay nhau đưa anh từ nhà ở Seville đến trung tâm huấn luyện ở Huelva, khoảng cách mà nếu ai rành về địa lý Tây Ban Nha, biết rằng chưa đầy 19 dặm. Câu chuyện nghe có vẻ khó tin nhưng có thực. Trong thế giới nam tính của bóng đá, lo lắng thực sự là một điều cấm kị nhưng Navas phải chống chọi với nó trong nhiều năm liền.

Nỗi nhớ nhà khiến Navas lâm vào trạng thái tồi tệ. Anh bị chứng lo lắng mãn tính xâm nhập. Năm 2007, Sevilla đồng ý bán anh cho Chelsea nhưng Navas từ chối ra đi vì anh không thể chịu đựng được cảm giác lo lắng, sợ hãi khi phải bước chân ra khỏi thành phố Seville. Căn bệnh đó kìm hãm mọi con đường thăng tiến trong sự nghiệp của Navas, ngay cả việc lên tuyển. Chàng trai đó đã hét lên đầy thảng thốt trong cơn mơ khi ngủ cùng đồng đội ở trung tâm huấn luyện của ĐT U-21 tại Murcia, địa điểm cách Sevilla vài giờ đi xe.

Vượt qua chính mình

Thống kê của BBC cho biết có 70% cư dân toàn cầu trải qua nỗi nhớ nhà ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống. Không ít các ngôi sao thể thao đã nghĩ đến chuyện chấm dứt sự nghiệp quốc tế của mình bởi nỗi nhớ nhà. Bản thân VĐV đua thuyền từng giành HCV Olympic Kate Copeland đã thừa nhận điều này.

Căn bệnh đó có thể tấn công bất cứ ai, thường không có cảnh báo, và trở thành cản trở lớn trong cuộc sống hàng ngày. Đáng buồn thay, nhiều người không nhận thức được, coi thường và khinh miệt những người hay nhớ nhà và lo lắng. Chẳng hạn trong trường hợp của Navas, chính 2 người đồng đội ở Sevilla là Andres Palop và Enzo Maresca đã lên báo bêu xấu sự hèn nhát, yếu mềm của tiền vệ sinh năm 1985 này một cách độc ác. Họ nói như thể anh là một kẻ bị tâm thần.

Rất may, phần còn lại của Sevilla đã hỗ trợ Navas. Họ thiết lập một chương trình điều trị dành cho Navas ngay tại nhà, cung cấp những khóa điều trị về tâm lý. Như một thói quen, dần dần Navas cảm thấy thoải mái và tự tin. Navas biết bệnh của mình và hiểu cần làm những gì để cầm chân “con quái vật” đó lại. Người bạn thân Ramos cũng thường xuyên gọi điện động viên Navas, giúp anh trèo qua hàng rào gai mang tên “sợ hãi”.

Cuộc hôn nhân với Alejandra vào mùa Hè năm 2011 như tiếp thêm liều thuốc tinh thần cho Navas, rồi kế đến là sự ra đời của cậu con trai Jesus.

So sánh Navas hiện tại với Navas cách đây 3 năm, các đồng đội của anh ở tuyển Tây Ban Nha nhận định rằng anh đã có được sự bình tĩnh, những bước đi chậm để rồi từ đó tạo nên bước tiến đáng kể.

Điều đáng trân trọng ở Navas là anh hoàn toàn trung thực về nỗi lo lắng của mình. Nó không làm anh trở nên yếu mềm hơn mà ngược lại, nhân bản hơn, được yêu quý hơn. Trong cuộc sống, ai cũng có một nỗi sợ nào đó nhưng việc đấu tranh để chấp nhận hay không là điều đáng quan tâm. Sự nổi lên của Navas, từ cậu thiếu niên nhớ nhà đến nhà vô địch thế giới, là một câu chuyện ấm áp. Quan trọng hơn, đó là một trận chiến thực sự mà anh đã là người chiến thắng!

Theo Cẩm Oanh (TT&VH Online)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm