Jürgen Klinsmann: Từ cậu bé bán bánh mỳ đến HLV ĐT Mỹ (kỳ cuối)

Chỉ có điều, giới truyền thông hiếm khi moi được chuyện của nhà Klinsmann để đưa lên mặt báo, bởi ông có những nguyên tắc sống của riêng mình.

Những nghề tay trái

Là một cầu thủ sinh ra và lớn lên tại Đức nhưng có nhiều năm thi đấu cho các câu lạc bộ ở Italia, Pháp và Anh, nay lại sống ở Mỹ với một cô vợ gốc Trung Quốc tại một nơi tập trung nhiều người nhập cư như quận Cam ở California, Klinsmann có rất nhiều cơ hội để tiếp xúc với sự đa dạng của các thể loại ngôn ngữ và nền văn hóa. Nhờ va chạm nhiều, cộng thêm tính cách được người cha uốn nắn, rèn dũa từ bé nên Klinsmann đã rút ra được cho mình những nguyên tắc sống giúp gia đình ông luôn yên ổn, ít nhất là trước sự tấn công không ngừng nghỉ của giới truyền thông.

Trong thời gian khoác áo Tottenham, Klinsmann không chỉ chơi bóng để chinh phục khán giả nước Anh, những người vốn không ưa thích gì một cầu thủ Đức, mà còn tích lũy cho mình vốn liếng tiếng Anh khá dồi dào, bên cạnh những hiểu biết về văn hóa xứ sở sương mù. Đó là một trong những thuận lợi lớn giúp ông nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới ở trên đất Mỹ. Khi còn ở London, mặc dù kiếm được rất nhiều tiền nhưng Klinsmann vẫn trung thành với chiếc xe Volkswagen Beetle màu xanh cũ kỹ cho đến khi “Con bọ” này hết hạn sử dụng, phải nhập vào bãi xe rác.

Quãng thời gian khi mà Klinsmann bắt đầu nhận nhiệm vụ dẫn dắt đội tuyển Đức sau EURO 2004 thực sự khó khăn với gia đình ông. Debbie và hai con không muốn chuyển sang Đức sống, trong khi công việc bắt buộc Klinsmann phải thường xuyên có mặt ở quê nhà. Thế là ông phải vượt Đại Tây Dương như con thoi trên những chuyến bay của Lufthansa và American Airlines, cho đến lúc áp lực công việc quá lớn, việc điều hành từ xa qua e-mail rất khó khăn, buộc gia đình Klinsmann phải có sự thay đổi. Ông thuyết phục được vợ, đem Debbie và hai con về sống ở Stuttgart, nơi gia đình ông vẫn còn một tiệm bánh mỳ tại quận Botnang.

Hiện tại, ngoài công việc của một huấn luyện viên, Klinsmann còn có cổ phần trong SoccerSolutions, một công ty chuyên về marketing và nghiên cứu thị trường, hoạt động trong lĩnh vực bóng đá. Khách hàng của SoccerSolutions khá đông đảo và nổi tiếng, trong đó có những cái tên như Adidas, Anschutz Entertainment Group (sở hữu câu lạc bộ bóng đá Los Angeles Galaxy), Hyundai, LG Electronics, Hiệp hội huấn luyện viên Mỹ, câu lạc bộ Tottenham Hotspur và MasterCard.

Ngoài bóng đá và công việc kinh doanh, sở thích của Klinsmann là chạy bộ, đạp xe, bơi và trượt tuyết. Trước khi trở thành huấn luyện viên đội tuyển Mỹ, thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp Klinsmann đá bóng trong... công viên, như mấy đứa trẻ. Với kiến thức bóng đá chuyên sâu và kho kinh nghiệm quý báu cùng tên tuổi nổi tiếng, Klinsmann còn là khách mời đặc biệt của rất nhiều chương trình bình luận thể thao. Tại World Cup 2010, ông bận rộn suốt cả mùa Hè trong vai trò chuyên gia của kênh ESPN cùng với các cựu danh thủ là Ruud Gullit, Steve McManaman và bình luận viên nổi tiếng Martin Tyler. Ngoài ra, ông còn cộng tác với các kênh BBC Sport, ARD, ZDF, RTL cũng như Sky.

Jürgen Klinsmann: Từ cậu bé bán bánh mỳ đến HLV ĐT Mỹ (kỳ cuối) ảnh 1

Klinsmann luôn trân trọng những gì thân thuộc với mình, như chiếc xe Huyndai mà ông được tặng là một ví dụ- Ảnh Internet

Hoạt động xã hội

Từ một người thợ làm bánh mỳ, Klinsmann đã đổi đời nhờ bóng đá. Dĩ nhiên, ông không quên được ơn của một thể thao vua này. Sau khi đã nhận được rất nhiều, Klinsmann luôn sẵn lòng trả lại cho bóng đá những gì tốt nhất có thể. Các bàn thắng và màn trình diễn trên sân làm nức lòng cổ động viên, các danh hiệu giúp câu lạc bộ hay đội tuyển quốc gia nở mày nở mặt, chừng ấy là chưa đủ với Klinsmann. Ông luôn là người đi đầu trong các hoạt động bóng đá từ thiện ở Đức, với những trận đấu gây quỹ cùng nhiều ngôi sao của các lĩnh vực khác.

Năm 1995, Klinsmann cùng một số người bạn thân lập ra quỹ từ thiện dành cho trẻ em mang tên Agapedia. Trong tiếng Hy Lạp, Agapedia có nghĩa là “Tình yêu dành cho trẻ em”. Giờ đây, quỹ Agapedia đang hoạt động ở Đức, Bulgaria, Moldova và Rumania. Năm 1997, khi còn là đội trưởng đội tuyển Đức, Klinsmann cùng huấn luyện viên Berti Vogts đã đến thăm khu tưởng niệm các nạn nhân của cuộc tàn sát sáu triệu người Do Thái ở Yad Vashem tại Israel. Sự kiện này được truyền hình trực tiếp đến nhiều nước trên thế giới, tạo ra một tiếng vang lớn. Klinsmann là thành viên điều hành của tổ chức “Für die Zukunft lernen” (Học tập vì tương lai), hỗ trợ giáo dục thế hệ trẻ về thảm họa diệt chủng.

Tháng 5/1999, Klinsmann đã từ chối một trận đấu chia tay sân cỏ sặc mùi thương mại do Liên đoàn bóng đá Đức tổ chức một cách chính thống. Sau đó, cuộc giã từ sự nghiệp của Klinsmann được thay thế bằng một trận đấu với mục đích từ thiện, đội “Những ngôi sao Stuttgart” gặp đội “Dream Team của Jürgen”. Ca sỹ Bryan Adams, tay vợt Boris Becker và nhiều tên tuổi lớn của làng thể thao - giải trí đã tham dự. 54.000 khán giả đến chật kín sân Gottlieb-Daimler, tên cũ của Mercedes-Benz Arena bây giờ, để nói lời từ biệt với một trong những tượng đài vĩ đại trong lịch sử bóng đá Đức. Hơn một triệu euro thu về từ trận đấu ấy đã được Klinsmann dùng vào mục đích từ thiện.

Hết lòng vì gia đình

Klinsmann gặp Debbie Chin, người mẫu Mỹ gốc Hoa mà năm 18 tuổi đã giành được danh hiệu Gương mặt của năm (Look of the Year), tại một quán cà phê ở Milan vào năm 1994, khi đang khoác áo Inter. Sau thành công bước đầu, Debbie liên tiếp tấn công các sàn diễn thời trang ở New York, Paris và Milan. Cũng nhờ đó mà cô đã gặp Klinsmann tại thủ đô thời trang của Italia. Tình yêu nảy nở và đến năm 1995, họ đi đến hôn nhân với thỏa thuận Debbie không được tận dụng tên họ Klinsmann để kiếm tiền trong lĩnh vực thời trang. Debbie cùng gia đình đến sống ở Mỹ từ nhỏ và sau khi giải nghệ, Klinsmann đã theo vợ sang California ở nước Mỹ xa xôi, sống ở Huntington Beach cho gần... bố mẹ vợ.

Klinsmann không muốn giới truyền thông quá tọc mạch chuyện riêng tư của mình, vì vậy, thông tin về cô vợ Debbie của ông luôn được giữ kín. Cho tới EURO 1996, báo chí mới biết đến một người mẫu châu Á xinh đẹp luôn theo dõi các trận đấu của đội tuyển Đức trên khán đài. Cũng từ đó, câu chuyện về người vợ Debbie mà Klinsmann đã hỏi cưới vào năm 1995 mới thực sự đến với công chúng. Tháng 4/1997, Klinsmann và Debbie đón đứa con đầu lòng, bé trai Jonathan sinh ra tại Munich. Đến năm 2001, gia đình Klinsmann chào đón thêm bé gái Laila.

Câu chuyện Klinsmann có con gái đầu lòng, giới truyền thông cũng bị cho ăn “quả lừa” nặng nề. Số là khi Debbie mang thai Jonathan được gần 8 tháng, Klinsmann vẫn tuyên bố với báo chí là vợ ông đang mang bầu 6 tháng. Một tháng sau, Debbie lâm bồn, hạ sinh Jonathan một cách yên bình tại thành phố Munich trong khi báo chí lại chuẩn bị đưa tin rầm rộ cho sự kiện này vốn dự kiến sẽ diễn ra sau 2 tháng nữa. Với giới truyền thông, Klinsmann luôn biết cách ứng xử khôn khéo để không làm hỏng việc của mình. Khi dẫn dắt đội tuyển Đức trong giai đoạn 2004 đến 2006, Klinsmann sử dụng tới hai nhân vật chỉ chuyên lo vấn đề truyền thông.

Trên thực tế, Klinsmann là một người luôn biết cách chiều vợ, nghe lời vợ, thậm chí bị quy kết là... sợ vợ. Khi được mời làm huấn luyện viên đội tuyển Đức vào năm 2004, Klinsmann đã tham khảo ngay ý kiến của Debbie. Khi bị vợ truy vấn về ngược lại về ý định này, Klinsmann chỉ nói rằng nếu không nhận lời, ông sẽ tiếc cả đời. Thế là Debbie gật đầu cho Klinsmann về quê dẫn dắt đội tuyển Đức. Bên ngoài, Klinsmann luôn nói rằng Debbie thông cảm với công việc của chồng, nhưng có lẽ, điều này cần phải xem xét lại, khi mà dấu ấn cô vợ luôn có trong các quyết định lớn suốt hơn 15 năm qua của Klinsmann.

Ngay từ trước World Cup 2006, người Đức đã lo mất Klinsmann vào tay đội tuyển Mỹ. Gia đình ông sống rất gần trung tâm bóng đá Carson, nơi đội tuyển Mỹ thường tập trung. Phương pháp huấn luyện của ông ở đội tuyển Đức cũng mang đậm phong cách Mỹ, với huấn luyện viên thể lực người Mỹ đến từ California. Và một trong những lý do khiến người Đức lo lắng vào lúc đó là Klinsmann luôn bị Debbie át vía, mà Debbie thì không thích rời xa cuộc sống ở những bãi biển xinh đẹp tại California, bên cạnh bố mẹ mình, một chút nào. Và đội tuyển Đức đã mất Klinsmann từ sau World Cup 2006, nhưng phải đến cuối tháng 7/2001, người Mỹ mới có được Klinsmann.

Năm 2007, khi chiếc ghế của huấn luyện viên Jose Mourinho ở Chelsea lung lay dữ dội, Klinsmann là một trong những cái tên được nhắc đến như là nhà cầm quân tiếp theo ở Stamford Bridge. Tuy nhiên, sau đó Klinsmann đã từ chối đến Chelsea. Lý do của việc này là ông không muốn đưa cả gia đình đến châu Âu. Với cá nhân ông, việc trở lại châu Âu thật quá đơn giản, nhưng với cả gia đình thì lại là vấn đề lớn. “Ở California, vợ và các con tôi luôn là chính họ. Nhưng khi về châu Âu, họ sẽ trở thành vợ và các con của Jürgen Klinsmann. Họ sẽ bị giới truyền thông săn đón và đối mặt với vô số áp lực khác”, Klinsmann giải thích.

Người Mỹ không quá quan tâm đến bóng đá, nhất là một ngôi sao đã hết thời đến từ Đức như Klinsmann. Nhưng khi Klinsmann trở thành huấn luyện viên đội tuyển Mỹ, mọi chuyện có thể khác. Áp lực không chỉ đè nặng lên vai ông với tư cách là một nhà cầm quân, mà gia đình ông cũng sẽ được giới truyền thông đưa trở lại vào “tầm ngắm”...

Một ngày đầu năm 2005, cha Klinsmann phải nhập viện vì bệnh ung thư dạ dày quá nặng. Trên giường bệnh, ông nhờ mọi người hỏi xem liệu đứa con trai Jürgen có thể từ Mỹ về Đức thăm ông được không? Klinsmann đã lẳng lặng bay về thăm cha, nhưng giới truyền thông không hề biết việc này. Đó cũng là lần cuối cùng ông thấy mặt cha. Vài ngày sau, khi Klinsmann và gia đình vừa trở lại Mỹ thì ông nhận được tin cha qua đời. Klinsmann là người có đầu óc sắc sảo và tinh tế. Nhưng hồi còn nhỏ, ông đã bỏ ngang chuyện học hành với cái bằng lớp 9. Nhiều lúc, Klinsmann đã nghĩ tới chuyện đi học bổ túc văn hóa vào ban đêm để lấy bằng tốt nghiệp phổ thông trung học, sau đó tiếp tục lên đại học như nhiều cầu thủ khác từng làm. Nhưng rốt cuộc ông phải từ bỏ những tính toán đó vì những suy nghĩ khác thực dụng hơn.

Có trong tay bằng cấp cùng kinh nghiệm làm bánh mỳ do cha truyền lại nhưng Klinsmann lại không hứng thú với nghề này. Đầu óc Klinsmann lúc nào cũng nghĩ đến quả bóng tròn. Tuy nhiên, một tờ báo Đức đã viết rằng cửa hàng bánh mì không phải là nơi Klinsmann học nghề mà chính là nơi đã giáo dục và tạo cho Klinsmann những đức tính quí báu trong cuộc đời. “Klinsmann đã chơi bóng đá như cách ông làm việc: Luôn tận tụy và cống hiến hết mình. Đó là trường học lớn nhất của Klinsmann”.

Theo Hà Minh Chi (TT&VH Cuối tuần)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm