Khi Thiên Trường không phải là thiên đường

… Bóng đá Việt Nam, VFF và VPF lại nở mày nở mặt trước không khí lễ hội trên sân Thiên Trường trong trận đấu mở màn mùa giải. Chắc chắn rồi đây FIFA và AFC sẽ lại nhắc đến sự kiện bóng lăn, khán giả nô nức đến sân trong một đất nước đi đầu về công tác chống dịch COVID-19. 

Khán giả sân Thiên Trường trong ngày khai hội là niềm mơ ước của bóng đá trên toàn thế giới. Ảnh: NGỌC DUNG 

Nhưng đó chỉ là phần nổi của ngày khai hội khi mà bóng đá thế giới đang thèm thuồng có được một phần khán đài đông đúc như Việt Nam. Phần còn lại là những gì diễn ra dưới mặt sân và công tác tổ chức lại không tương xứng với những gì mà bóng đá thế giới đang khao khát.

Trước hết phải đề cập đến mặt sân quá tệ hoàn toàn không ủng hộ cho lối chơi kỹ thuật. Bóng lăn ngập ngừng có lúc như bị dán vào mặt cỏ. Cầu thủ di chuyển khó khăn trên mặt sân nặng khiến nhiều lần các bình luận viên phải thốt lên mặt sân rất khó không ủng hộ lối chơi kỹ thuật…

Nhiều người thắc mắc tại sao mùa này và tại sao ngay trong trận khai hội bóng đá lại có được cái mặt sân như thế?

Thắc mắc đấy cũng được đặt ra cho các giám sát, những người được mời để thay mặt ban tổ chức đi kiểm tra chất lượng mặt sân và công tác tổ chức trận đấu… Được biết ban tổ chức địa phương trước trận đấu đã bơm nước để làm mềm mặt cỏ, nhưng rõ ràng giữa chuyện làm mềm mặt cỏ và làm lầy cái sân chống lại lối đá kỹ thuật hoàn toàn khác nhau.

Trời không mưa nhưng mặt sân lầy do ban tổ chức bơm nước làm "mềm" sân (!?). Ảnh: LAO ĐỘNG

Mặt sân lầy không ủng hộ lối chơi kỹ thuật. Ảnh: CTV

Việc làm… lầy cái sân ngay trong trận mở hội và tại mùa giải chuyên nghiệp làm nhiều người nhớ đến có lần cũng ở giải vô địch quốc gia, trước ngày thi đấu với Đồng Tháp, toàn TP Cao Lãnh “tự dưng” cúp điện đúng nơi ở của đội khách báo hại cả đội mất ngủ. Đã thế rồi đến lúc ra sân thì mới thấy mặt cỏ có chỗ cao qua cổ chân. Hóa ra là phía chủ nhà làm đủ mọi cách để vừa phá sức đối thủ vừa hạn chế đá bóng bằng sở trường.

Trở lại với sân Thiên Trường, tôi cho rằng ngay trận mở hội V-League mà để mặt sân xấu như thế là có lỗi rất lớn của giám sát và ban tổ chức giải.

Một vấn đề cũng cần phải đề cập đó là không khó để nhận ra sau mùa 2020, trọng tài có phần “sợ” đội Nam Định. Khi mà mặt sân xấu, có chỗ lầy nhưng không ít tình huống cầu thủ chủ nhà đá rất rát và rất đau. Chưa dám khẳng định là ác ý nhưng rõ ràng có nhiều tình huống quyết liệt đến độ gầm giày tìm thẳng vào cổ chân cầu thủ chủ nhà. Hình ảnh tiền vệ Đỗ Hùng Dũng sớm phải ra sân trên cáng cũng từ cú vào bóng thật đau trên mặt sân xấu là một minh chứng.

Đỗ Hùng Dũng chỉ có vài chục phút thi đấu rồi rời sân vì cú "chấn cổ chân" . Ảnh: CTV

V-League mới chỉ khai mạc, mừng với sức sống trên khán đài nhưng cũng không thể không lo qua những phần không thể xem là chuyên nghiệp ở dưới sân và cả đội ngũ được xem là cánh tay nối dài cho ban tổ chức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm