Nhìn nhận sòng phẳng về HLV Miura

Nói như HLV Kiatisak từng khuyên đồng nghiệp Miura (cũng là hình thức khuyên dư luận Việt Nam): “Muốn phát triển tốt thì phải từ từ. Với một HLV người Nhật quen với môi trường chuyên nghiệp mà qua Việt Nam làm bóng đá, nhìn hệ thống sân bãi, nhìn công tác tổ chức, nhìn nền tảng các CLB, nhìn cả phong cách cầu thủ, sức khỏe, sức bền và sức mạnh thì sẽ có ngay tư tưởng so sánh như bóng đá phong trào của Nhật. Vì thế hãy để HLV Miura chỉnh sửa từ từ và làm nhiều phần việc mà lẽ ra ông không phải đụng đến nếu làm ở một nền bóng đá chuyên nghiệp thực thụ…”.

Ông Miura chê cầu thủ Việt Nam chỉ chạy được 65 phút. Điều này không mới bởi 20 năm trước và gần đây nhất các HLV ngoại tiền nhiệm của ông Miura đã từng chê. Chính vì thế mà lần này tập trung đội tuyển U-23, ông thầy người Nhật đã nhồi thể lực cho các cầu thủ và nhiều cầu thủ rơi rụng do chấn thương.

HLV Miura có lúc bực bội vì chỉnh sửa từng chi tiết nhỏ. Ảnh: QUANG THẮNG

Thực chất cách nhồi thể lực của HLV Nhật làm cho các CLB Việt Nam phải thức tỉnh lại trong công tác đào tạo, huấn luyện cầu thủ của mình lâu nay vẫn rất xem thường.

HLV Miura không phải là thánh nhưng rõ ràng những gì ông đã và đang làm cho bóng đá Việt Nam là mang tính trách nhiệm cao và thật tình vốn đúng với bản chất của người Nhật. Lâu nay bóng đá Việt Nam có thành tích gì đâu ngoài ngôi vô địch AFF Cup 2008, vậy thì phải từ từ xây dựng lại nền tảng như những gì ông Miura đang làm.

Thật buồn cười nhưng là sự thật khi HLV Miura tập trung U-23 quốc gia, trong những ngày đội tập tại sân Thống Nhất, HLV Miura còn phải chỉnh sửa học trò cách ném biên. Cười ra nước mắt hơn khi ông phải thị phạm động tác này cho học trò những ba, bốn lần khi cầu thủ mình… chậm tiêu. Dạy đến độ có lúc ông phải nổi nóng.

Cách mà ông bày bảo chuyện tưởng chừng như nhỏ nhưng lại thiếu căn bản ở nhiều cầu thủ. Đó là khi ném biên cho đồng đội đứng gần, cầu thủ U-23 thường hay ném vào mặt đồng đội. Điều này gây khó khăn vì đồng đội phải lùi ra vài bước đón bóng, hứng bóng bằng ngực làm cho đối phương có thời gian ập vào gây khó khăn cho đồng đội. Chỉ điều này thôi mà HLV Miura còn phải chỉnh sửa nhiều lần. Lẽ ra điều cơ bản này thì cầu thủ đã được dạy từ hồi mới bước vào học đá bóng.

Ngoài việc dần đưa học trò vào quỹ đạo thì bên cạnh đó cách cư xử với truyền thông cũng siết hơn. Sau một thời gian, HLV Miura đã đưa “bộ quy tắc” phát biểu và gặp gỡ báo chí. Bên cạnh đó khi đội tuyển tập thì không được bất kỳ ai bước xuống khu vực sân. Lâu nay khi chưa có “bộ quy tắc” này thì việc mỗi khi đội tuyển tập luyện tình hình trên sân là rất hỗn độn.

HLV Miura làm quá nhiều việc, trong cái nhiều mục tiêu và cả những việc lẽ ra ông không làm nhưng vẫn phải làm ấy thì chỉ cần một nửa khối lượng công việc hoàn thành là đã thành công. Mong rằng những cách làm của HLV Miura là “phát pháo” để các CLB nhìn lại mình trong công tác đào tạo hơn là ông phải làm cả việc “vú nuôi” khi cầu thủ lên tuyển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm