Nòng cốt đội tuyển

Có nhiều trận đấu của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Hữu Thắng, người ta tính ra công thức: Cầu thủ SL Nghệ An + B. Bình Dương và HA Gia Lai. Cũng có chút băn khoăn của dư luận về việc ông Thắng “yêu thích” cầu thủ xứ Nghệ, nhưng với chức vô địch giải tứ hùng ở Myanmar lẫn cách chơi của học trò, nghi ngại ấy tạm thời lắng xuống.

Các đời HLV trưởng đội tuyển quốc gia tiền nhiệm đều chịu đàm tiếu về việc chọn cầu thủ theo “dây” mà không hẳn phong độ vượt trội.

Ông Calisto từng bị giới hâm mộ “ném đá” khi triệu tập đội tuyển hồi tham dự Tiger Cup 2002 gồm nhiều cầu thủ hạng nhất. HLV người Bồ đã “bịt tai” nhưng vẫn nói rõ cho học trò hiểu và buộc họ chứng minh dư luận sai lầm. Thế rồi chính những người ông ra sức che chắn như Tài Em, Trường Giang, Xuân Thành,… đã đánh tan ngờ vực và trở thành nòng cốt đội tuyển với chiếc huy chương đồng Đông Nam Á 2002.

HLV Hữu Thắng trong buổi tập đầu trên sân Thống Nhất chiều 26-9. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Cho đến khi tái ngộ với đội tuyển quốc gia lần nữa, HLV Calisto không còn bị soi mói nhiều về thành phần cầu thủ và những người ông tin tưởng đã xuất sắc mang về chiếc cúp vàng AFF 2008.

Thực tế các HLV trưởng đội tuyển không dễ dãi và dễ dàng gì đưa lên tuyển toàn người của mình. Năng lực của cầu thủ thể hiện trên sân cỏ mới là bảo chứng tốt nhất. Thời của HLV Riedl nhiều năm liền chuyên sử dụng cầu thủ của Thể Công hay SL Nghệ An nhưng vấn đề vẫn là tính hiệu quả của họ chứ không phải gốc gác.

Tuy nhiên, không phải lúc nào HLV đội tuyển cũng thành công khi sử dụng cầu thủ bị cho là “người của mình”. Ông Phan Thanh Hùng thấm thía nhất nỗi đau này với nhóm cầu thủ Hà Nội T&T dù vừa vô địch V-League vẫn bị cho là thiên vị bởi nhiều vị trí đá trong đội tuyển quốc gia. Nó cũng là chủ đề gây xáo trộn đội tuyển trước thềm AFF Cup 2012 và sau lúc gặp thất bại.

Lần này thì HLV Hữu Thắng cũng không tránh khỏi những dấu hỏi nghi vấn về việc cho gọi đến 13/30 cầu thủ có gốc gác Nghệ An.

Sự nghi ngờ này là không mới và mang màu sắc thiên kiến theo kiểu bụt chùa nhà không thiêng. Tuy nhiên, rất ít khi người ta chịu nhìn vào mặt tích cực của sự thấu hiểu. Thầy trò gần gũi nhau và có nhiều thời gian gắn bó với nhau sẽ tạo sự đồng lòng cần thiết hơn.

Người cũ và phong độ

Có đến 28/30 tuyển thủ đã từng góp mặt dưới thời HLV ở hai trận vòng loại World Cup và giải giao hữu tại Myanmar. Chính vì thế, suốt nhiều tháng lăn lộn ở V-League, ông Thắng và cộng sự chủ yếu kiểm tra phong độ học trò cũ hơn là tìm ra nhân tố mới. Điều này cũng lý giải việc đội vô địch V-League chỉ có ba cái tên và đội thứ ba SHB Đà Nẵng chỉ có một cầu thủ. Thế nhưng hai đội hạng chín SL Nghệ An hay hạng 10 B. Bình Dương đều có bốn cầu thủ lên tuyển. Hai cái tên mới là Nghiêm Xuân Tú (Than Quảng Ninh) và Ngọc Đức (Hà Nội T&T) thì đã chứng minh sự góp mặt của họ là xứng đáng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm