KỲ 1

Sự thực về cái gọi là "căn bệnh còi xương" của Lionel Messi

Sự thực về cái gọi là "căn bệnh còi xương" của Lionel Messi ảnh 1

Thế giới bóng đá đang bước vào mùa bầu chọn. Và tất nhiên, không có cuộc bầu chọn nào đáng chú ý hơn cuộc bầu chọn "Quả bóng vàng FIFA 2011". Bạn nghĩ đến ai nhiều nhất, ở thời điểm 1 tháng trước khi FIFA và tuần báo France Football công bố danh hiệu năm nay? Có lẽ không phải tranh cãi nữa, về lựa chọn của số đông. Thay vì dự đoán cầu thủ xuất sắc nhất trong năm 2011, sẽ hấp dẫn hơn nếu như chúng ta tìm hiểu thêm một số điều ít biết về ngôi sao mà ai cũng đã biết rõ là anh ta xuất sắc, thậm chí vĩ đại, như thế nào. Vâng, chúng tôi đang nói về LIONEL MESSI!

Tìm về địa chỉ 1746 đường Cordoba
Báo chí đã viết rất nhiều: hồi bé, Lionel Messi bị thiếu hormone sinh trưởng nên chỉ bé loắt choắt. Các CLB Argentina đều không muốn chi số tiền lớn giúp Messi điều trị. Đấy là nguyên nhân vì sao thiên tài bóng đá Lionel Messi của Argentina thuộc về lò đào tạo trẻ La Masia của CLB Barcelona, tận TBN, khi cậu mới 13 tuổi.

Sự thực về cái gọi là "căn bệnh còi xương" của Lionel Messi ảnh 2

Messi hồi nhỏ bên em gái
Nhưng đấy có đúng là sự thật? Hoặc giả, nếu có một phần sự thật, thì căn bệnh còi xương của Messi được phát hiện và điều trị cụ thể ra sao? Có hai giả thiết. Một là, bố mẹ Messi nói đúng. Hai là, bác sĩ Diego Schwarsztein nói đúng. Khổ nỗi, những gì họ luôn cam đoan là đúng lại… khác hẳn nhau. Dù sao đi nữa, đấy chỉ là khác biệt ở phần sau. Những chi tiết ban đầu trong câu chuyện này thì không còn gì để bàn cãi nữa.

Bác sĩ Diego Schwarsztein nhớ rất rõ lần đầu khám bệnh cho Messi, vì hai điều rất đơn giản. Thứ nhất, đấy là sinh nhật của ông, ngày 31/1. Thứ hai, cái ngày cụ thể mà bố mẹ Messi đưa thằng bé đến phòng khám của bác sĩ Schwarsztein ở khoa nội tiết của bệnh viện Glands and Internal Medicine, số 1764 đường Cordoba, trung tâm thành phố Rosario, là ngày 31/1/1997, vì nó được ghi rành rành trong hồ sơ bệnh án!
Khi ấy, cậu bé đã bước vào tuổi thứ 10 mà chỉ cao 1m27. Tất nhiên, thằng bé Leo (cách gọi ngắn của Lionel) ấy chưa hề là một ngôi sao, gia đình cũng chẳng ai có tiếng tăm gì. Đơn giản là cậu bé được bố mẹ đưa đến để bác sĩ tư vấn. Bác sĩ Schwarsztein kể: "Tôi chỉ biết, thằng bé đang chơi bóng cho đội trẻ của CLB Rosario. Chỉ cần bấy nhiêu là đủ. Trong nghề của mình, tôi rất cần các bệnh nhân nhí mạnh dạn hợp tác.

Bóng đá là thứ duy nhất mà tôi có thể nói với Leo, vì cậu ta rất nhút nhát. Mà bóng đá ư? Còn ai mê bóng đá hơn tôi nữa…". Ông chỉ ngay vào tấm ảnh con trai mình, chụp trên khán đài, trong một trận đấu mà Rosario ghi bàn vào lưới đội bóng nổi tiếng Boca Juniors.

Sự thực về cái gọi là "căn bệnh còi xương" của Lionel Messi ảnh 3

"Phải hợp tác tốt, và phải kiên nhẫn theo dõi mọi chuyện", bác sĩ Schwarsztein kể tiếp. Nào là phải điều tra thói quen dinh dưỡng, làm nhiều test phức tạp, xét nghiệm và phân tích sinh học…, trong cả năm trời. Schwarsztein khẳng định: "Chỉ có xét nghiệm khoa học, phân tích và theo dõi trong suốt một thời gian dài thì mới biết chắc đấy là bệnh lý, hay đấy đơn giản là một trường hợp phát triển muộn". Tất nhiên, chẳng ai tranh cãi, thậm chí nghi ngờ bác sĩ Schwarsztein trong những vấn đề chuyên môn như vậy. Ông tiếp tục lật lại sổ cũ, chỉ vào chỗ này, rồi chỗ khác, để giải thích thêm về trường hợp của Messi cách đây gần 15 năm. Kết quả rõ ràng: các tuyến không sản sinh ra chút hormone nào.

Loại thuốc chiết suất từ.. xác chết
Hễ tìm ra bệnh thì chữa, đâu có gì phức tạp. Điều quan trọng là bố mẹ của Messi rất hiểu biết. Họ đã kịp thời phát hiện rằng Leo gặp một vấn đề và ngay lập tức đưa thằng bé đến bệnh viện. Dựa vào đó, ông khẳng định: Messi xuất thân từ một gia đình… first class! Điều thứ hai càng quan trọng hơn: bệnh của Messi rất dễ chữa. Ông nói: "30 năm trước, người ta đã dùng hormone sinh trưởng để chữa bệnh này. Một thời, nó được chiết xuất từ… xác chết, nhưng cách chữa ấy đi kèm với nguy cơ mắc bệnh CJD (bệnh não rất nguy hiểm).

Từ thập niên 1980, người ta đã có cách sản xuất hormone sinh trưởng tiên tiến hơn. Tóm lại, cách can thiệp bằng y học để Messi phát triển một cách bình thường là tuyệt đối an toàn, không có tác dụng phụ, và chắc chắn thành công".

Sự thực về cái gọi là "căn bệnh còi xương" của Lionel Messi ảnh 4

Sau khi phát hiện vấn đề của Messi, bác sĩ Schwarsztein lập tức phác thảo kế hoạch điều trị. Messi sẽ được tiêm dưới da hàng ngày, liên tục trong khoảng 3-6 năm. Chi phí quả cũng hơi cao: khoảng 600.000 peso/năm (tức khoảng 150.000 USD, theo tỷ giá lúc ấy). Chi phí này khiến các CLB nổi tiếng ở Argentina như Newell's Old Boys hoặc River Plate… chạy làng? Đến đây, xuất hiện mâu thuẫn trong lời kể của bác sĩ Schwarsztein và bố Leo - ông Jorge Messi.

Messi "bị" sang Barcelona?
Bác sĩ Schwarsztein khẳng định: ông đã xem các loại giấy tờ của gia đình Messi và thấy rằng ông bố Jorge Messi có đầy đủ điều kiện để yêu cầu các tổ chức bảo hiểm cũng như y tế lo trọn gói tài chính để điều trị cho Leo. Ngược lại, ông Jorge Messi tỏ vẻ ngao ngán khi kể lại thái độ của các bên liên quan hồi ấy. Bảo hiểm và các chương trình y tế quốc gia mà ông liên hệ rút cuộc chỉ chịu chi tiền chữa chạy trong vòng 2 năm. Newell's Old Boys ban đầu cũng đồng ý trả một phần chi phí điều trị, nhưng khi biết các tổ chức khác đều từ chối lo trọn chi phí chữa bệnh cho Leo thì CLB cũng lạnh nhạt dần, không muốn nhắc đến kế hoạch chữa bệnh với gia đình Messi nữa.
Cũng theo ông Jorge, khi căn bệnh của Leo được đặt lên bàn thương thảo thì CLB River Plate chẳng những tháo lui mà còn tiết lộ yếu tố "kỹ thuật" để gia đình Messi hiểu thêm vì sao sẽ không có CLB nào ở Argentina chịu lo toàn bộ chi phí thuốc thang cho Leo. Các gia đình khác sẽ nhìn vào đó và bắt các CLB lo toàn bộ chi phí về mặt y tế cho con cái của họ. Bọn trẻ mới 9-10 tuổi như Messi, đâu thiếu những chú còi cọc. Và đâu phải ai cũng như Messi. Chẳng lẽ CLB cứ phải tiêm thuốc cho mọi cầu thủ "nhí" kém phát triển, theo yêu cầu của bố mẹ chúng?

Bây giờ, ai cũng biết Messi đã được Barcelona phát hiện và tuyển vào "lò" La Masia nhờ sự quyết đoán của giám đốc thể thao Carles Rexach. Đấy là những chi tiết có thực, trên bề mặt. Còn nguyên nhân sâu xa khiến thằng bé Leo mới 13 tuổi phải xa gia đình sang tập ở đội trẻ Barcelona, trong hoàn cảnh bất lợi đến hàng trăm bề, là do cậu bé bệnh tật ấy đã bị đẩy khỏi làng bóng đá Argentina - mà cũng chẳng riêng gì các CLB bóng đá đã đẩy cậu đi. Jorge Messi quả quyết như vậy.

Còn bác sĩ Schwarsztein thì vẫn quả quyết: Messi thuộc diện được chữa bệnh miễn phí. Chỉ có điều, nhiều người ở Argentina không dám tin vào phương pháp chữa bệnh còi cọc bằng hormone sinh trưởng, nhất là chữa ở Argentina (hãy lưu ý chi tiết: ngày xưa thuốc chiết xuất từ xác chết nêu trên). Khi gia đình đưa Messi sang Barcelona thì đấy là câu chuyện khác - chuyện mà bác sĩ Schwarsztein không biết, cũng không cần biết!

"Giống như bệnh tiểu đường vậy", bác sĩ Schwarsztein ví von để người nghe dễ hình dung. Ông nói: "Bệnh tiểu đường là do tuyến tụy không sản sinh insulin. Còn trong trường hợp của Leo, cơ thể cậu ta không sản sinh hormone sinh trưởng. Khác biệt là ở chỗ, 7% dân số thế giới mắc bệnh tiểu đường, còn bệnh của Leo chỉ có ở 1 trong 20 triệu trường hợp. Và đấy không phải là bệnh di truyền. Anh em trong nhà Leo, ai cũng cao lớn".
(Còn tiếp)

Theo Kinh Thi (Bongdaplus)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm