Thể Công và U-19

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh rất hào hứng khi nói lứa U-19 bây giờ cần phải học các bậc cha chú ở Thể Công dù hai thế hệ khác nhau rất xa. Ông Vinh hoài niệm lại thời ông cầm quân dẫn dắt lứa cầu thủ đấy với những chiến công hiển hách.

Lứa Thể Công năm 1967 được thành lập trong giai đoạn chiến tranh nhưng hồi đấy là niềm tự hào của bóng đá Việt Nam. Họ ra sân đúng nghĩa là các chiến sĩ trên mặt trận đá bóng khi luôn nổi bật về mặt tinh thần và tính chiến đấu.

Bóng đá hồi đấy mỗi trận đấu của Thể Công còn là một trận đánh với ý nghĩa chính trị cao. Chính vì quan điểm Thể Công là chiến sĩ đá bóng mà các cầu thủ lứa 1967 đấy được đưa qua CHDCND Triều Tiên ăn tập dầm dề với chế độ rất cao. Các cầu thủ qua đấy học việc cũng sinh hoạt như người lính. Rõ nhất là Vương Tiến Dũng hồi đấy nổi tiếng là cầu thủ nghiện rượu thế mà qua đấy đã tuân thủ nghiêm ngặt suốt cả năm không uống một giọt bia rượu nào và được cả đội nể phục.

Các cầu thủ U-19 dưới mắt ông Vinh vẫn còn đang được tập và tự lái xe trên lề đường chứ chưa có trải nghiệm ở lòng đường và tinh thần chiến đấu kiểu người lính Thể Công ngày nào. Ảnh: XUÂN HUY

Trở về từ CHDCND Triều Tiên, lứa cầu thủ đấy không chỉ làm mưa làm gió ở những giải trong nước mà còn đại diện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế. Ông Vinh xúc động kể lại cái thời ông dẫn dắt đội bóng đấy: “Ra sân họ đá bóng nhưng xác định mình là chiến sĩ trên mặt trận thể thao. Từ giải SKADA đến những trận đấu lớn hoặc giao hữu hoặc đá giải, các cầu thủ Thể Công đi đâu cũng chật kín sân. Ấn tượng nhất là trận gặp Thanh niên CHDC Đức mà phải chật vật lắm đội này mới thắng được 2-1 trên sân Hàng Đẫy. Một trận đấu mà lứa cầu thủ như Khánh, Giáp, My, Dũng, Thế Anh, Cao Cường… ra sân với thể hình cực đẹp và thi đấu với một tinh thần rất cao. Họ không chỉ được ăn, tập, tích lũy những tinh hoa từ bóng đá nước ngoài mà còn được trang bị tinh thần chiến đấu rất cao.

Nhắc đến Thể Công rồi ông Vinh lại nhắc đến lứa U-19 mà ông cũng là một trong những người có công đi tìm kiếm tuyển chọn tài năng từ Lạng Sơn trở vào đến mũi Cà Mau. Ông nối kết hai sự kiện lại và xúc động nói: “Hồi chiến tranh tôi hiểu giá trị của người lính ra sân như thế nào và bây giờ ở thời bình, tôi lại có diễm phúc trong việc đi tìm những tài năng để họ được huấn luyện với công nghệ đào tạo mới ở châu Âu. So sánh hai thế hệ cách nhau vài chục năm là khập khiễng nhưng sẽ không thừa nếu lấy tinh hoa của lứa Thể Công mà nhắc nhở việc trang bị cho các em U-19 tinh thần chiến đấu như thế. Nói thế có vẻ bằng thừa vì các em U-19 cũng luôn ra sân là chiến đấu với tinh thần cao nhưng thực tế thì các em chỉ là những em bé đang được học việc bài bản và được cho tập chạy xe trên lề đường chứ chưa được thả xuống đường để tự lái và để tự tích lũy rút kinh nghiệm cho chính mình khi “sống trong môi trường khó, môi trường chật chội”.

Ông Vinh đã đề cập một khía cạnh rất thực tế khi nhìn lứa U-19 bây giờ rất tài năng nhưng rất giống những em nhỏ chưa được thả xuống đường để tự lái trong dòng người và có một tinh thần chiến đấu như những người lính ra trận thực thụ kiểu Thể Công ngày nào.

NGUYỄN HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm