U-19 Nhật Bản mạnh cỡ nào?

Hành trình đến bán kết của U-19 Nhật Bản chỉ có đối thủ U-19 Iran là cộm cán, còn lại hầu như đều bị họ đàn áp với lối chơi tấn công mạnh mẽ.

Hàng thủ chưa thủng lưới bàn nào khẳng định U-19 Nhật Bản rất chặt chẽ và kỷ luật. Ba trận vòng bảng họ thắng Yemen 3-0, hòa Iran 0-0, thắng Qatar 3-0. Vào tứ kết, họ dễ dàng đánh bại Tajikistan 4-0. Tại bán kết lúc 23 giờ 15 ngày 27-10, U-19 Nhật Bản sẽ gặp U-19 Việt Nam - đội bóng được xem là hiện tượng của giải và đến nay cũng chưa biết thua.

Các cầu thủ U-19 Nhật Bản có thể hình không nhỉnh hơn U-19 Việt Nam nhiều nhưng sức mạnh, sự bền bỉ và độ nhanh của họ thì hơn hẳn. Về cách chơi thì U-19 Nhật có nhiều nét giống U-19 Việt Nam nhưng ở mảng miếng trong những pha phối hợp hoặc chuyển từ phòng ngự sang tấn công thì họ thực thi hoàn hảo hơn.

Lứa U-19 Nhật Bản thi đấu trên chân các đối thủ và chưa để thủng lưới bàn nào. Ảnh: CTV

Sự vượt trội của các cầu thủ U-19 Nhật Bản là khi cần họ chuyển sang “phương án 2” rất nhanh. Đang từ phương án phối hợp nhỏ, nhuần nhuyễn, di chuyển nhanh, kỹ thuật khéo léo, họ lập tức chuyển sang đá dài cũng rất nhanh và rất hiệu quả. Đó cũng là điều U-19 Nhật Bản vượt trội so với các đối thủ còn lại của giải này.

Chắc chắn những chiến lược gia của đội U-19 Việt Nam phải nhìn ra điều này qua việc nghiên cứu các trận đấu của Nhật Bản. Giám đốc kỹ thuật của đội Việt Nam là chuyên gia người Đức - ông Juergen Gede cùng với HLV Hoàng Anh Tuấn đã cho thấy họ rất nhạy trong việc nghiên cứu từng đối thủ và lên đấu pháp để cầu thủ mình thực thi. Điều này thể hiện rất rõ ở bốn trận vừa qua.

Bên cạnh đó, dù thể hình không bằng nhiều đối thủ nhưng sức bền và thể lực của các cầu thủ U-19 Việt Nam là điểm mạnh tại giải này. Trận hòa trong thế 10 chống 11 trước UAE và trận thắng chủ nhà Bahrain ở tứ kết đã khẳng định điều đấy. Nhờ sức bền và thể lực tốt, HLV Hoàng Anh Tuấn có lúc đã dám cho cầu thủ mình chơi sòng phẳng và gia tăng sức ép lên đối thủ sau phút 70 và đã đạt những thành quả nhất định.

Hy vọng ban huấn luyện đội U-19 Việt Nam cùng chuyên gia Juergen Gede sẽ tìm ra được điểm yếu của U-19 Nhật Bản và tận dụng sức mạnh lẫn tinh thần của các cầu thủ mình mà khoét vào.

Ba năm trước, U-19 Nhật Bản “dạy” U-19 Việt Nam những gì?

Ba năm trước, trong giải tứ hùng Cúp Nutifood trên sân Thống Nhất, lứa U-19 Việt Nam đang hừng hực khí thế sau ngôi đầu vòng loại Đông Nam Á khi thắng cả U-19 Úc đến năm bàn. Họ đã được ca ngợi như những hạt nhân làm thay đổi nền bóng đá. Thậm chí ngay trong buổi khai mạc giải, chủ tịch VFF còn hùng hồn tuyên bố đây là lứa cầu thủ sẽ đưa bóng đá Việt Nam dự World Cup trong tương lai... Thế nhưng chỉ hai ngày sau, khi gặp lứa U-19 Nhật Bản thì chỉ trong hiệp 1, trận đấu đã ngã ngũ với cơn mưa bàn thắng của các cầu thủ trẻ Nhật Bản. Trận đấu kết thúc với tỉ số 7-0 đã khiến nhiều người mơ mộng tỉnh ngộ. Chính các cầu thủ trẻ U-19 Nhật khi ấy cho thấy sự khác biệt giữa bóng đá đẹp và bóng đá thực dụng, đồng thời chỉ ra nhiều điểm yếu mà lứa U-19 Việt Nam khi ấy còn khiếm khuyết.

Ba năm sau thì lứa U-19 Việt Nam đã được làm mới. Nó không là nền tảng từ một học viện nào cả mà là tinh hoa trong cách làm bóng đá trẻ của nhiều CLB, nhiều lò đào tạo và được phát huy lên bởi những chuyên gia, những người thầy am hiểu. Trong khi đó, U-19 Nhật Bản có đến 13 cầu thủ đang đá J-League 1, tức đẳng cấp cao hơn hệ J-League 2 mà Công Phượng đang làm quen trên ghế
dự bị.

NG.HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm