U-23 Việt Nam là hạt giống số 1 thì ngại ai?

Ngay sau khi có kết quả 16 suất dự vòng chung kết U-23 châu Á năm tới tại Thái Lan (cũng là vòng loại Olympic Tokyo 2020), AFC đã tiến hành phân nhóm hạt giống. Việt Nam thuộc nhóm hạt giống cao nhất, tức nhóm số 1. U-23 không cần phải tự ti và hãy cư xử như mình là “võ sĩ nặng ký”.

U-23 Việt Nam là đương kim á quân châu Á.

Trong một thời gian ngắn bỗng dưng bóng đá Việt Nam đã vươn lên những đỉnh cao mới… khiến người hâm mộ vẫn chưa thoát khỏi suy nghĩ ta còn nhỏ bé lắm, nhưng AFC thì rất chính xác khi đưa U-23 Việt Nam vào nhóm hạt giống số 1.

Với nhóm hạt giống số 1, U-23 Việt Nam có thể sẽ nằm vào bảng tử thần, đó là cách suy nghĩ theo thói quen lâu nay, nhưng nay đã khác, U-23 Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc.

Nhóm hạt giống số 1 gồm chủ nhà Thái Lan (điều tất nhiên), nhà vô địch U-23 châu Á- Uzbekistan, Qatar- hạng ba châu Á, còn U-23 Việt Nam là á quân châu Á cùng việc vô địch bảng K đêm 26-3 vừa qua, nếu kể thêm chỉ số phụ nữa thì Olympic Việt Nam đương kim hạng tư châu Á…

Đáng tiếc cho U-23 Malaysia khi có bảy điểm qua hai trận thắng và một trận hòa nhưng đành nằm nhà xem TV.

Chừng ấy đủ để cho U-23 Việt Nam vào nhóm “hổ-báo” của việc phân hạt giống chuẩn bị bốc thăm cho vòng chung kết U-23 châu Á.

Trong vòng hai năm, nhưng thực chất chỉ 14 tháng qua, kể từ khi U-23 Việt Nam vào chung kết U-23 châu Á vào tháng 1 năm ngoái tại Thường Châu, sau đó là vào bán kết Asiad, U-23 Việt Nam đã chạm trán và đánh bại nhiều đội trẻ châu Á, trong đó phải  kể đến các đội như U-23 Qatar ( bán kết U-23 châu Á), U-23 Iraq (tứ kết)…

Việt Nam nằm vào nhóm hạt giống số 1.

Với việc phân nhóm hạt giống này của AFC (xem hình) thì sẽ nhiều người tiếp tục la toáng lên “Ôi, chúng ta có thể vào bảng “tử thần” ở vòng chung kết.

U-23 Việt Nam có thể rơi vào bảng kiểu như gồm Việt Nam, Nhật Bản (nhóm 2), Saudi Arabia hoặc Úc (ở nhóm ba) và Iran, UAE, hoặc Bahrain ở nhóm bốn.

Trên lý thuyết U-23 Việt Nam có thể rơi vào bảng “tử thần” như thế. Tuy nhiên U-23 Úc thì ta từng đánh bại rồi (ở Thường Châu), Iran chúng ta cũng từng đánh bại ở Asian Incheon 2014, thời HLV Miura dẫn dắt. Saudi Arabia thì Việt Nam vẫn có thể chơi ngang ngửa nhưng lâu nay bóng đá Việt Nam vẫn rất “có duyên” với các đội Tây Á, Vùng Vịnh vậy…

Chẳng có gì đáng sợ. Điều đáng nói là U-23 Việt Nam đã lớn rồi, lên tầm châu lục, vào tốp 4, tốp 2 rồi. Phải biết mình là “hổ-báo”rồi và cư xử như những kẻ “hổ-báo” đúng nghĩa.

Còn nột điều đáng nói nữa như AFC đã thông báo, trong trường hợp tại vòng chung kết U-23 châu Á năm tới ở Thái Lan, nếu U-23 Nhật (nước chủ nhà Olympic 2020) nằm trong nhóm huy chương, tức ba đội đầu giải thì châu Á sẽ có bốn suất dự Olympic, tức bốn đội (kể cả Nhật) vào bán kết. Mà với sân chơi châu lục cấp U-23 thì Nhật không chỉ là ứng viên vào bán kết mà họ còn là ứng viên vô địch nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm