V-League bình mới rượu cũ!

Lời hứa nâng cấp giải vô địch quốc gia về chuyên môn và kỹ thuật nghe như gió thoảng mây bay. Cuộc thay đổi nhân sự toàn diện ở VPF khiến họ chưa kịp thích nghi, ngoài nỗ lực vừa tìm ra nhà tài trợ mới cho V-League (hạng nhất và cúp quốc gia chưa có) và thu hồi quyền cung cấp bản quyền truyền hình.

Ít nhất có hai ý tưởng của VPF nhằm nâng cấp giải đấu đã phá sản. Việc VPF đòi thành lập các tiểu ban trọng tài và kỷ luật để kiểm soát là trái luật, buộc phải ngưng. Đề nghị mỗi CLB phải có 1-2 cầu thủ dưới 23 tuổi nằm trong đội hình xuất phát cũng “chết” từ trứng nước.

Có thể thấy ý tưởng của VPF đều vì sự hấp dẫn và phát triển bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, nó vẫn cho thấy sự mất niềm tin từ các nhà làm giải vào một số bộ phận chức năng trực thuộc VFF, như công tác trọng tài mùa nào cũng có vấn đề. Thêm vào đó, Ban Kỷ luật VFF có khi còn đưa ra những phán quyết chưa thấu lý đạt tình khiến dư luận nổi sóng, gây ảnh hưởng đến hình ảnh giải đấu.

Thầy ngoại Petrovic từng nổi đình nổi đám ở châu Âu nhưng đến với V-League lại tung cờ trắng sau khi tranh cãi với trọng tài và nói thực trạng của V-League. Ảnh: QUANG THẮNG

Mùa bóng mới sắp sửa diễn ra nhưng chưa có dấu hiệu đổi mới có khả năng làm thay đổi góc nhìn tích cực cho người yêu bóng đá. V-League không thể sống dựa vào ánh hào quang của lứa trẻ U-23 Việt Nam vừa chơi giải trẻ châu Á, bởi không phải cầu thủ nào cũng đủ sức khoác áo cho đội một.

V-League sắp đá vẫn ngổn ngang theo kiểu mạnh ai nấy làm. Rõ nhất là việc VPF khuyến cáo các CLB cải tạo mặt sân thi đấu cho đúng tiêu chuẩn quốc tế theo quy định không phải ai cũng nghe. Trước mắt, nhà vô địch Quảng Nam bị truất quyền thi đấu AFC Cup, còn đội thay thế Thanh Hóa vẫn phải chạy ra Mỹ Đình làm sân nhà để cứu vãn danh dự cho VFF. Cả giải V-League mà chỉ có mỗi sân Pleiku của đội HA Gia Lai đủ chuẩn thì không ổn rồi.

Để V-League lên giá không chỉ thay bình mới còn rượu vẫn cũ…

Vì sao thầy ngoại khó thành công ở V-League?

V-League mùa này có ba thầy ngoại Marian Mihail người Romania (Thanh Hóa), Toshiya Miura người Nhật (TP.HCM) và Chung Hae Soung người Hàn Quốc (HA Gia Lai). Họ dẫn dắt những CLB có nội lực và tiềm năng nhưng khả năng thành công của họ, như việc phải vô địch V-League là không lớn.

Lịch sử 17 mùa V-League đã qua, duy nhất HLV Calisto giúp đội ĐT Long An hai lần đăng quang liên tiếp 2005-2006 bằng sự tinh tường am hiểu có khi còn hơn thầy nội. Còn lại hai chức vô địch của ông Songamsak cho đội HA Gia Lai 2003-2004 phần lớn nhờ đội hình quá tinh túy và phía sau là “Gia Cát Lượng” Nguyễn Văn Vinh. Sau thời kỳ này, V-League có rất nhiều thầy ngoại đủ mọi quốc tịch vội đến vội đi ở các CLB mà không ai gặt hái thành công nào.

Mùa giải gần nhất 2017, có hai thầy ngoại Fiard người Pháp từng bị CLB TP.HCM sa thải trước hai vòng đấu và HLV Petrovic người Serbia từng đoạt cúp vô địch C1 cũng chia tay Thanh Hóa không kèn trống.

Nghịch lý thầy ngoại ở V-League có bằng cấp hay kinh nghiệm lão luyện tại các đấu trường lớn châu Âu, châu Á nhưng không hoặc rất ít cơ hội áp dụng cho bóng đá Việt Nam. Ngoài những khó khăn về khả năng truyền đạt trực tiếp đến cầu thủ, khác biệt về văn hóa, tính chuyên nghiệp nửa vời ở môi trường mới, họ thường vấp phải rào cản từ chính toan tính nội bộ lẫn đòn hội đồng của các đối thủ.

NHƯ QUỲNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm