Vòng loại U-23 châu Á bảng I: Sở trường…

Những bài tập nặng và chấn thương của hàng loạt tuyển thủ bỗng dưng trở thành đề tài nóng trên các diễn đàn hơn là cách nhìn nhận về những đòn sở trường mà ông Miura dạy dỗ các học trò.

Phải thừa nhận rằng các đội tuyển dưới thời Miura luôn có một điểm chung về yêu cầu sức mạnh, sức bền thật đảm bảo để giải quyết các đòi hỏi khác về chiến thuật. Chính các đối thủ lớn ở Tây Á khi chạm trán Olympic Việt Nam cũng bất ngờ về cái nền thể lực mạnh mẽ, khác hẳn với những thời kỳ trước...

Nhờ cái nền thể lực được nâng cấp rõ rệt mà học trò ông Miura năm ngoái thừa sức tiếp thu và thực hiện các miếng đánh nhanh, gọn với sở trường đá nhóm nhỏ vừa giàu kỹ thuật vừa sức mạnh lẫn tốc độ và có cả yếu tố bất ngờ.

Các bàn thắng của U-23 Việt Nam trong năm trận giao hữu đến từ nỗ lực cá nhân nhiều hơn là phối hợp bài bản. Ảnh: XUÂN HUY

Nếu nhìn vào hai đội tuyển Olympic và tuyển quốc gia đá giải Asiad, AFF Cup vài tháng trước thì lần này ông Miura có vẻ khó khăn trong việc xác lập những miếng đánh độc cho cầu thủ trẻ U-23. Bỏ qua nạn chấn thương đã cướp của ông Miura nhiều học trò giỏi, đội tuyển bây giờ dường như vẫn còn phân vân với các chiêu thức mới. Nó giống cậu học sinh ôn nhiều mà vẫn chưa thuộc bài.

Mỗi trận giao hữu lại thấy ông Miura loay hoay thử nghiệm. Thậm chí HLV Lê Thụy Hải còn chua chát nhìn nhận: “Ấn tượng về lối chơi của U-23 Việt Nam là… chẳng có lối chơi gì cả”.

Có thể ông Hải nói hơi quá bởi thực tế HLV Miura đã từng nhào nặn hai đội Olympic, tuyển quốc gia trước đó chơi có đường nét rõ ràng và sớm hình thành hệ thống chiến thuật lẫn cách đá bài bản cho từng vị trí. Nó khác với kiểu lật cánh đánh đầu hoặc chơi bóng dài vượt tuyến thường xuyên và thậm chí là các hậu vệ thích làm thay cho tiền vệ khi chưa yên tâm vào khả năng xoay xở của tuyến hai.

Rất nhiều HLV bóng đá cũng tỏ vẻ ngại ngùng cho thầy trò ông Miura đến giờ chót vẫn mò mẫm tìm tòi một sơ đồ tối ưu với những người trẻ chưa tự tin vào sở trường của mình khi bị đặt vào khuôn phép của ông Miura.

Hy vọng ông Miura còn nhiều chiêu độc trong tay áo chờ đến giờ G mới trình bộ mặt thật, thay cho những trận giao hữu không đặt nặng chuyện thắng thua.

Ai ghi bàn cho U-23 Việt Nam?

HLV Miura sẽ rất khó trả lời câu hỏi này dù chắc hẳn ông luôn đặt ra cho mình ở các buổi tập và đấu tập. Rõ ràng sau năm trận giao hữu (thắng hai, hòa hai, thua một), hiệu suất ghi bàn của đội U-23 Việt Nam rất thấp (6/5) và mang chiều hướng đi xuống. Trong ba tiền đạo thì Công Phượng và Thanh Bình mỗi người lập công một lần ở trận đầu thắng Hà Nội T&T 3-1 rồi dừng. Bốn bàn thắng còn lại đều xuất phát từ các hậu vệ (Mạnh Hùng đá phạt) và tiền vệ (Huy Toàn, Ngọc Thắng, Hữu Dũng). Thế nhưng các pha làm bàn ấy chủ yếu đến từ nỗ lực cá nhân hơn là kết quả của một bài đánh sở trường.

 TT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm