Trọng tài đang ‘robot’ hóa

Đã có sáu quả 11 m được đưa ra nhờ công nghệ VAR, trong đó Pháp, Thụy Điển, Tunisia… được hưởng lợi rất rõ bởi ảnh hưởng trực tiếp đến bàn thắng. Nhưng cũng có đội bóng bị thua oan vì VAR không báo hoặc trọng tài bỏ qua.

Oan nhất và đau nhất khi cần VAR hỗ trợ cho trọng tài nhưng trọng tài lại không cần hoặc không được hỗ trợ từ trung tâm, đó là bàn thua oan của Brazil khi hậu vệ bị phạm lỗi (cầu thủ Thụy Sĩ xô và phạm lỗi) để kiếm lợi thế đánh đầu ghi bàn gỡ hòa.

Được biết phòng theo dõi video trận đấu để VAR hoạt động hỗ trợ trọng tài được đặt tại thủ đô Moscow. Mỗi trận đấu các trợ lý công nghệ này được gọi là trọng tài xử lý video. Tất nhiên họ không có quyền quyết định nhưng lại là bộ phận tác động rất lớn đến trọng tài, đặc biệt là những trọng tài yếu bóng vía hay thiếu tự tin.

Lần đầu VAR được đưa vào hỗ trợ World Cup nhưng công cụ này đã gây tranh cãi và phiền toái rất nhiều.

Khu vực xử lý và cũng là máy soi giúp trọng tài bởi công nghệ VAR (ảnh nhỏ). Ảnh: fifa.com . Trọng tài giờ đang bị robot hóa bởi công nghệ. Ảnh: GETTY IMAGES

Nếu đội Pháp được “tặng” một quả 11 m trong trận ra quân gặp Úc thì Iceland lại uất ức khi cho rằng VAR không hỗ trợ đội bóng “nhỏ” để xứng đáng được hưởng quả 11 m trong trận gặp Argentina.

VAR cũng đã giúp Peru một quả 11 m khi trọng tài bỏ qua tình huống bị phạm lỗi trong khu 16,50 m trong trận gặp Đan Mạch nhưng lại không “báo” tình huống phạm lỗi của tiền đạo Thụy Sĩ trước khi ghi bàn vào lưới Brazil.

Cũng VAR đã làm Hàn Quốc thua đau trong trận đấu mà họ chơi rất hay và xứng đáng có 1 điểm trước Thụy Điển nhưng giờ chót lại bị cướp mất.

Nếu các đội tranh cãi như thế và còn tranh cãi nhiều thì điều lo lắng lại chính là vai trò của trọng tài bây giờ đã không còn là ông vua thực thụ. Ông vua ở World Cup bây giờ là công nghệ, là những cỗ máy và là những “người nhắc tuồng” đã ảnh hưởng rất nhiều đến các trọng tài.

VAR cũng làm khán giả mất đi cảm xúc khi đến sân bóng, đặc biệt là thời gian chờ công nhận bàn thắng hay chờ có phạt đền hay không có phạt đền…

Ngoài ra còn một điểm mà nhiều người, đặc biệt là giới chuyên môn thắc mắc đó là VAR có thể đã “chỉ đạo” cho trọng tài (tất nhiên phần chỉ đạo này là do con người tận dụng qua công nghệ). Điều có thể thấy rõ và tạo ra nghi ngờ lớn chính là phút 80 trong trận Bỉ - Panama, ở vị trí thuận lợi hơn, trợ lý không căng cờ báo tình huống việt vị của Bỉ và để tình huống trôi qua 2-3 chạm thì lúc đấy trọng tài chính lại nổi còi bắt việt vị ở một góc nhìn không thể quan sát được việt vị hay không việt vị. Sự “chính xác” này của trọng tài chắc chắn là đã có sự can thiệp của “người nhắc tuồng” và qua tình huống đấy ai cũng thấy trọng tài như một robot thực hiện phần mà video và phần mềm đã xử lý.

Chắc chắn công nghệ VAR và vai trò của trọng tài đang dần thành robot sẽ còn được nhắc và bàn cãi rất nhiều.

• 64 trận đấu sẽ được hỗ trợ bởi một nhóm bao gồm một trợ lý trọng tài (VAR) thông qua video cùng ba trợ lý của ông là AVAR1, AVAR2 và AVAR3 tại phòng theo dõi hoạt động của video được đặt ở thủ đô Moscow. Tất cả luồng thông tin sẽ được camera thu lại từ 12 sân của World Cup qua hệ thống cáp quang đến VAR, còn các trọng tài trên sân và trợ lý VAR sẽ liên lạc với nhau bằng một thiết bị audio kết nối bằng cáp quang. Sẽ có tất cả 33 camera khác nhau, tám trong số đó là các camera quay chậm và sáu camera quay siêu chậm.

•  VAR chỉ được sử dụng trong bốn tình huống sau: Bàn thắng được chấp nhận hoặc từ chối; phạt đền hay không phạt đền; tình huống thẻ đỏ và sự nhầm lẫn giữa các cầu thủ trên sân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm