U-23 VN nên bớt tiểu xảo, lo tập trung chuyên môn

Có rất nhiều điều ngổn ngang về đội bóng trẻ mang sứ mệnh bảo vệ ngôi vô địch SEA Games 31 và làm nên chuyện ở vòng loại U-23 châu Á sắp khởi tranh. Xa hơn nữa thì đấy là tuyến kế thừa đội tuyển quốc gia đang cần những bổ sung từ sức sống trẻ...

Đây đúng nghĩa là trận giao hữu bởi hai năm qua, các đợt tập trung U-23 Việt Nam chỉ “tập chay”. Thỉnh thoảng họ được đá tập với đàn anh tuyển quốc gia mà phải lấm lét không hết chân để giữ cho các anh tránh chấn thương...

Nhiều cầu thủ U-23 lần đầu ra nước ngoài đi đấu quả là còn nhiều bỡ ngỡ nhưng đáng nói là vấn đề chuyên môn và cách thể hiện trên sân.

U-23 Tajikistan tiếp cận trận đấu, cư xử với đối thủ rất lành bởi thuần túy là trận giao hữu chuẩn bị cho vòng loại U-23 châu Á vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, các cầu thủ trẻU-23 Việt Nam lại chơi tiểu xảo nhiều quá. Những động tác chỏ thừa thãi khi tranh chấp vào cả gáy đối phương đá từ phía sau. Đó chưa kể giao hữu nhưng lại phô diễn nhiều tiểu xảo mang tính cay cú, nóng đầu…

Không biết các cầu thủ trẻ có bị sức ép gì về sự thể hiện để kiếm suất trong thành phần dự vòng loại U-23 châu Á hay không nhưng với kiểu thi đấu mà gồng và lên gân theo kiểu làm đau đối thủ và nhiều đòn trả miếng thì rõ là không nên.

Ngay cả Hai Long, một tài năng trẻ dày dạn kinh nghiệm ở V-League, thế nhưng lại phạm lỗi rất xấu khi vào bóng từ phía sau rất thôđể U-23 Việt Nam bị phạt sát vùng cấm trực diện cầu môn. Pha phạm lỗi đấy ở cấp đội tuyển thầy Park luôn cấm triệt để nhưng ở U-23 lại khá thường xuyên.

Sau chiếc thẻ vàng của Hai Long, U-23 Việt Nam còn bị dính hai thẻ nữa với Bảo Toàn (phút 67, níu áo đối phương) và tình huống lộn xộn phút bù giờ 90+2 của Hoàng Hùng. Vụ lộn xộn cuối trận này do các cầu thủ U-23 Việt Nam chơi tiểu xảo nhiều quá. Các cầu thủ Tajikistan bị dồn nén phản ứng rồi họ cũng bị thẻ, trong đó cầu thủ nhận hai thẻ vàng làm mất ý nghĩa trận giao hữu.

Trận cầu nóng lên khi càng về cuối là “nhiệt” quá độ tiểu xảo quá mức của các cầu thủ trẻ Việt Nam rồi đối phương bị đòn đau nóng đầu và chực chờ bùng phát...

Các đội tuyển Việt Nam thi đấu các giải quốc tế hay bị phạt và nhất là chịu phạtđền từ lỗi 12 (thống kê của AFC về đội tuyển Việt Nam) cũng từ di chứng cách đá “nhiệt” quá mức. Thậm chí là “nhiệt” theo thói quen. AFC đã thống kê ở giai đoạn 2 vòng loại World Cup 2022, tuyển Việt Nam bị phạt đền nhiều nhất với năm lần.

Với vòng loại U-23 châu Á gặp Đài Loan, Myanmar, đội bóng trẻ Việt Nam có thể không khó lên ngôi nhất bảng nhưng sứ mệnh bảo vệ ngôi vô địch SEA Games 31 và thể hiện tốt ở vòng chung kết U-23 châu Á 2022 sẽ rất thách thức.

Tối 17-10, U-23 Việt Nam còn trận giao hữu thứ hai với U-23 Kyrgyzstan cũng tại Dubai, rồi cuối tháng 10 sang Tajikistan đá vòng loại U-23 châu Á.

Mục tiêu sẽ rất thách thức trên vai lớp cầu thủ trẻ nhưng thách thức lớn nhất chính là chỉnh lại lối chơi sao cho giữ được lửa, giữ được nhiệt tình nhưng đừng sa vào tiểu xảo, xấu xí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm