Vấn đề của bóng đá Việt Nam: Tiền nào của nấy

Chưa có lần ra mắt HLV trưởng đội tuyển Việt Nam mà giới truyền thông lẫn dư luận tỏ ra nghi ngại nhiều như cuộc giới thiệu của tân HLV Miura. Màn chào hỏi của Miura thiếu ấn tượng bởi ngoài việc trải qua các lớp học về thể thao, ông thầy người Nhật chưa để lại dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp huấn luyện các CLB hạng nhì của Nhật.

Các đại diện trên bàn chủ tọa VFF đã lường hết những câu hỏi khó của giới báo chí đã trả lời một cách rất trôi chảy theo một phần mềm lý thuyết đã lập trình sẵn. Ví như việc ông Miura sẽ huấn luyện đẹp đẽ một lúc hai đội tuyển sẽ thuận lợi hơn chứ không phải vừa “bế em vừa xay lúa” mà các đời HLV thâm niên kinh ngiệm như Riedl hay Calisto đều gãy. Hay chuyện ông Miura đòi đoạt cúp AFF 2014 dù chưa biết học trò mình là ai hoặc các đối thủ Đông Nam Á ra sao cũng là một chi tiết nhanh nhảu đoảng…

 
HLV Miura và Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng trong ngày ký kết hợp đồng. Ảnh: XUÂN HUY

Chưa lần tuyển chọn HLV nào mà VFF nhanh gọn đến thế, dù ai cũng nói đã tham khảo qua Hội đồng HLV quốc gia. Bởi thực tế các hội đồng này không tồn tại và nếu có tham khảo mỗi cựu Chủ tịch Nguyễn Sĩ Hiển thì ông cũng khó lòng tư vấn thỏa đáng qua… lý lịch.

Hơn nữa, VFF tiết lộ đã sàng lọc rất nhiều ứng cử viên cho chiếc ghế HLV trưởng nhưng thực chất đã quy hoạch “thầy Nhật” như quan điểm của ông chủ tịch VFF ngày nhậm chức. Nghĩa là, không thể có những cuộc đãi cát tìm vàng dưới sự tư vấn và giám sát của một hội đồng giàu chuyên môn mà chỉ đơn thuần theo phán quyết của người đứng đầu VFF rồi cứ thế “chạy”.

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng còn bảo vệ tân HLV trưởng rất chặt chẽ với cách ví von ông Miura giống như HLV Calisto trước kia không biết nhiều về bóng đá Việt Nam và cũng bị đặt nhiều nghi vấn. Thực tế Calisto hồi năm 2002 có cái nền vững hơn nhiều Miura sau hơn một năm huấn luyện ĐT Long An và càng chắc tay hơn như lần ông giúp tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup 2008.

Lý do lớn nhất thuyết phục VFF chính là việc ông Miura được bảo chứng bởi LĐBĐ Nhật và cái được lớn nhất ở lần chọn thầy cho đội tuyển lần này chỉ là sự dũng cảm dám làm, dám chịu trách nhiệm của cá nhân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Ông nói mình sẵn sàng “chịu đòn” vì những phán quyết của mình nếu chất lượng thầy ngoại ảnh hưởng không tốt đến đội tuyển.

Suốt 20 năm qua, các đội tuyển Việt Nam đều phải học cách thích nghi với thầy mới vì không tìm ra bản sắc và lần này mọi cái lại bắt đầu từ mối quan hệ với bóng đá Nhật và lời đảm bảo của LĐBĐ Nhật…

CÔNG TUẤN

 

Kế thừa tính truyền thống

HLV Miura tiết lộ ông sẽ đích thân đi xem các trận đấu tại V-League và chọn cầu thủ cho đội tuyển. Ông còn thú nhận phải kế thừa lối chơi của tiền nhiệm và nâng cấp theo vốn hiểu biết của mình sau 11 năm huấn luyện các CLB Nhật Bản. Đấy chỉ là một cách nói xã giao bởi ngay cả những người trong cuộc còn mơ hồ về lối chơi truyền thống của đội tuyển Việt Nam và trong một V-League còn hỗn loạn, không có nhiều tài năng mới sau những gương mặt rất cũ có dấu hiệu chán tuyển. Thử thách cho HLV Miura trong tương lai là rất lớn và không dễ dàng cho ông đòi vô địch Đông Nam Á khi chưa hề biết mình, biết người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm