ĐOÀN VIỆT NAM CHUẨN BỊ CHO SEA GAMES 26

Vật Việt Nam quyết bảo vệ ngôi Vô địch Đông Nam Á

Tại mỗi kỳ SEA Games, vật luôn là mỏ vàng của Việt Nam. Chính vì thế, ngoài kỳ SEA Games được tổ chức trên sân nhà (22 nội dung, trong đó có 6 nội dung của nữ), những kỳ còn lại đa số các nước đăng cai đều cắt giảm rất nhiều nội dung vật.

Để chuẩn bị cho kỳ SEA Games lần này, đội tuyển vật sớm được tập trung để có sự chuẩn bị tốt nhất, nhất là khi các đô vật Việt Nam còn có thêm một nhiệm vụ quan trọng khác ngoài SEA Games là vòng loại Olympic 2012. Do còn rất ít nội dung tại SEA Games năm nay, đồng nghĩa với việc đội tuyển vật Việt Nam sẽ phải cử lực lượng tinh nhuệ nhất tới Lào với tiêu chí lựa chọn là giỏi cả về chuyên môn lẫn kinh nghiệm.

Vật Việt Nam quyết bảo vệ ngôi Vô địch Đông Nam Á ảnh 1

Các đô vật Việt Nam tỏ ra rất tự tin trước SEA Games 26
Vì thế mà cuộc đua tranh giành suất tham dự sân chơi này lại đang diễn ra quyết liệt ngay từ đầu năm. Có trong tay những đô vật đã khẳng định đẳng cấp ở tầm châu lục, việc “ẵm” hết các tấm HCV ở các nội dung tham dự với vật Việt Nam không phải là một thách thức quá lớn.

Không phải chủ quan, nhưng theo đánh giá của những nhà chuyên môn, đối thủ lớn nhất mà đội tuyển vật Việt Nam lại chính là tâm lý thi đấu cũng như nỗi lo trọng tài.

Tâm lý bị ảnh hưởng là lý do khiến các đô vật Việt Nam đã không có đủ khả năng phán đoán chớp thời cơ  trong những khoảnh khắc quyết định. Nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế đó của các đô vật Việt Nam chính là bởi chúng ta không có đủ nguồn kinh phí để ra nước ngoài tập huấn và thi đấu trước các giải đấu lớn. “Rất nhiều kế hoạch tập huấn và thi đấu bị thay đổi. Đó là một điều đáng tiếc nhất với đội tuyển vật”, HLV trưởng Nguyễn Thế Long chia sẻ.

Rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho kỳ SEA Games lần này, các đô vật trẻ được BHL tạo cơ hội tham gia rất nhiều các giải đấu quốc tế để nâng cao bản lĩnh cũng như kinh nghiệm chiến đấu. Nếu tự tin vào trận, vật Việt Nam đủ khả năng vượt qua các đối thủ trong khu vực. Ngay cả khi 1, 2 kỳ SEA Games gần đây, Philipines đã đầu tư rất mạnh ở một số hạng cân nhưng họ vẫn chưa thể tạo ra bất ngờ trước các đô vật Việt Nam.

Tuy nhiên nỗi lo lớn nhất lại là…trọng tài. Tại SEA Games 23, đô vật Lan Anh (59kg) dù đang chấn thương ở tay nhưng BHL tuyển Việt Nam vẫn quyết định cho chị lên sàn đấu. Điều đáng nói là khi đang thắng điểm đô vật chủ nhà thì trọng tài không cho chị thi đấu tiếp vì sợ…nguy hiểm.

Được biết có tới 4 trường hợp giống của Lan Anh ở các kỳ SEA Games trước đó. Uất ức nhất là trường hợp của đô vật Nguyễn Thị Hằng (48kg) tại SEA Games 23. Dù chị đã thực hiện thành công đòn quấn quật đối thủ rất khó nhưng ông trọng tài người Hàn Quốc lại quyết định cho đô vật nước chủ nhà Thái Lan thắng cuộc.

Sau trận đấu, chính trọng tài này đã thừa nhận bị áp lực bởi BTC nước chủ nhà. Trước mỗi kỳ SEA Games, các đô vật Việt Nam đều khẳng định họ ngại trọng tài hơn là đối thủ.

SEA Games lần này cũng không phải là một ngoại lệ, khi Indonesia đã không hề giấu giếm chèn ép vật Việt Nam ngay từ khi giải chưa khởi tranh.

Dù vậy, với truyền thống dẫn đầu cùng sự vượt trội về trình độ với các đối thủ trong khu vực, vật Việt Nam đang rất tự tin sẽ một lần nữa mang về “cơn mưa HCV” cho đoàn TTVN.

Danh sách ĐT vật tham dự SEA Games 26

HLV: Nguyễn Thế Long (HLV trưởng), Đới Đăng Hỷ, Đỗ Xuân Ty, Trần Văn Sơn, Đỗ Văn Chúc, Mindiashvili Soso, Chkhartishvili Fridon (chuyên gia Gruzia).

17 VĐV: Trần Thị Diệu Ninh, Dương Thị Lan, Lương Thị Quyên, Tạ Hồng Tuấn, Nguyễn Huy Hà, Nguyễn Thế Anh, Bùi Tuấn Anh, Cấn Tất Dự, Trịnh Văn Thanh, Hà Văn Hiếu, Nguyễn Đình Liễu, Đồng Văn Biên, Tạ Ngọc Tân, Trần Văn Tưởng, Khổng Văn Khoa, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Văn Dực.

Theo Hiểu Minh (Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm