VĐV Việt Nam quá thờ ơ với mạng sống

VĐV Việt Nam quá thờ ơ với mạng sống ảnh 1

Bác sĩ Ngô Đức Nhuận (thứ hai bên phải) cùng đồng nghiệp khám cho vận động viên bằng hệ thống máy đo vận động hiện đại.

Những người theo nghề thể thao ở Việt Nam chỉ quan tâm rất ít đến chứng đột quỵ - kẻ thù bí ẩn nhất trong số các tác nhân gây ra cái chết đột ngột cho các vận động viên. Với những người thi đấu không chuyên nghiệp, hiểu biết về vấn đề này gần như không có.

Ở Việt Nam, trước mỗi giải đấu, ban tổ chức kiểm soát tình trạng sức khỏe của VĐV bằng tấm giấy khám sức khỏe của các bệnh viện. Đây là sơ hở lớn nhất trong lĩnh vực y học thể thao, làm giảm đáng kể khả năng quản lý, kiểm soát và đề phòng nguy cơ bị đột quỵ đối với các VĐV.

Theo thống kê trên thế giới, 83% các trường hợp tử vong vì đột quỵ trong thể thao là do các vấn đề về tim mạch. Nhiều người bộc lộ bệnh ngay ở trạng thái tĩnh, nhưng số khác lại mang bênh tim tiềm ẩn, chỉ được phát hiện trong trạng thái vận động gắng sức.

Là người trực tiếp tham gia chương trình kiểm tra sức khỏe VĐV bằng những công nghệ kỹ thuật hiện đại, tôi thấy có thể (và nên) phân loại để giảm tối đa số người có nguy cơ bệnh tim tiềm ẩn không bị phát hiện. Không thể chỉ trông chờ vào những kết quả khám sức khỏe thông thường.

Ở Việt Nam đã có một số nơi trang bị đầy đủ hệ thống máy móc hiện đại, có đội ngũ chuyên gia kiểm tra nguy cơ bênh tim mạch tiềm ẩn dành cho các VĐV, như Viện Khoa học Thể dục Thể thao, bệnh viện 175, phòng khám Medic, trường đại học Thể dục Thể thao I.

Khác với quá trình khám thông thường, các VĐV được kiểm tra bằng hệ thống máy móc chuyên biệt sẽ phải vận động gắng sức và máy sẽ đo nhịp tim, huyết áp, mức yếm thế… trong suốt quá trình từ trạng thái tĩnh đến đỉnh điểm của thời gian vận động và thêm một quãng thời gian sau vận động. Những hiện tượng như lệch nhịp tim, nghẽn nhĩ thất có thể được phát hiện ra trong quá trình này.

Tuy nhiên, đây là những trung tâm khám hiếm hoi ở trong nước, không phổ biến rộng. Không phải tất cả VĐV trong nước đều được khám ở đây. Chỉ có các CLB, đơn vị làm thể thao chuyên nghiệp, nắm vững thông tin mới đưa VĐV đến khám. Các thành viên đội tuyển quốc gia cũng trong diện được kiểm tra tim mạch ở trạng thái vận động.

Đại đa số CLB, đội bóng… ở các địa phương vẫn theo chế độ khám sức khỏe bình thường.

Nhiều khi bác sĩ muốn và có điều kiện phòng chống nguy cơ đột quỵ, mà chính các VĐV lại thờ ơ với mối đe dọa chính mạng sống của mình.

Những người tìm đến Viện Khoa học Thể dục Thể thao đều là các VĐV chuyên nghiệp. Một trong những trường hợp mới nhất có dấu hiệu bệnh tim đến khám là cầu thủ của CLB Hà Nội T&T.

Khi nhận kết quả kiểm tra từ máy, cầu thủ này nhất định không tin. Đến lần khám lại thứ ba trong một tháng vẫn cho cùng kết quả, mà anh vẫn chưa chấp nhận mình có nguy cơ bệnh tim tiềm ẩn. Anh vật vã tâm sự với bác sĩ, mong bác sĩ đưa ra một kết quả khám khác đi. Hiện nay cầu thủ này đang trong thời gian nâng cao thể trạng để sẵn sàng cho đợt khám mới.

VĐV tập luyện, theo nghề nhiều năm, đến nay đang được nhận lương cao trong nghề bóng đá, lại được HLV tin tưởng, phong độ bắt đầu định hình, cái tin mình có nguy cơ bị bệnh tim giống như sét đánh. Nếu phải bỏ bóng đá, không biết anh có tìm được công việc gì mà thu nhập cao như hiện tại hay không.

Tậm trạng của cầu thủ Hà Nội T&T đó giống rất nhiều VĐV đỉnh cao khác. Số nhiều ỷ mình có sức khỏe, cảm thấy không cần đi khám sâu. Số khác đang có vị trí ổn định ở các đội bóng, lương cao, nên né tránh thậm chí giấu thông tin với cán bộ quản lý, tránh đi khám để giữ nghề.

Chỉ đến khi có những cái chết đột ngột như Diệp Phước Lộc, những VĐV này mới hiểu rằng đi khám sâu và chấp nhận kết quả khám là quyền lợi và biện pháp để bảo vệ tính mạng chính mình.

Một vài trường hợp đột quỵ và tim mạch ở Việt Nam

Trước thềm SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam năm 2003, VĐV xe đạp Đỗ Văn Tâm chết ngay khi đã tới gần đích tại giải đua băng đồng Tiền SEA Games. Khi đang dẫn đầu, xe Tâm bị bể lốp. Không bỏ cuộc, Tâm vác xe chạy bộ đến khi cách đích 1km thì ngất xỉu. Nguyên nhân dẫn tới cái chết của anh là bị đột quỵ do quá tải.

Sau cái chết thương tâm của tuyển thủ xe đạp, công tác kiểm tra bệnh tim tiềm ẩn, cũng như giúp VĐV nắm ngưỡng vận động tối đa của mình được ngành TDTT tăng cường. Trong một lần khám, tài năng lớn nhất của rowing Việt Nam cho đến nay – cựu tuyển thủ Vũ Đăng Tuấn – bị phát hiện có biểu hiện nghẽn thất trái. Anh phải chia tay đường đua trên đỉnh cao phong độ, sau nhiều trăn trở.

Trước đó, giới bóng đá xôn xao sự kiện một lão tướng đã từ giã sân cỏ đột tử trong khi đang đá "phủi" ở sân trường đại học Thủy Lợi, Hà Nội.

Mới đây nhất, VĐV bóng rổ Diệp Phước Lộc, trong lúc ngồi ngoài sân sau khi khởi động để chuẩn bị vào thay người, đã bất ngờ gục ngã và vĩnh viễn ra đi sau đó.

Theo BS. Ngô Đức Nhuận
(Trưởng phòng thí nghiệm Tâm – Sinh lý và Sinh hóa, Viện Khoa học TDTT) (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm