VFF đấu đá, ai lo đội tuyển?

Ngôi nhà VFF tưởng êm ấm sau vụ bầu Tú rút lui nhưng thực chất vẫn còn đấu đá tranh ghế. Nếu trước đây những “vụ dân sự” như tố cáo ông chủ tịch VFF và phó chủ tịch thường trực nhận hối lộ chỉ dừng lại ở mức độ chưa thành án khiến Tổng cục TDTT đứng ngoài thì nay vụ việc được đẩy lên mức cao hơn.

Nếu trước đây dư luận và giới chuyên môn vẫn ồn ào nghi kỵ Tổng cục TDTT “bật đèn xanh” cho người của mình ở VFF hoành hành thì vừa qua, sau công văn từ Văn phòng Chính phủ gửi xuống, Tổng cục TDTT đã phải “ra tay”. Nói như giới am hiểu thì đã đến lúc “thân ai nấy lo” chứ không thể tồn tại mối quan hệ “người của mình”.

Bằng chứng mới nhất là công văn gửi chi bộ cơ quan LĐBĐ VN do Phó Bí thư Đảng ủy Tổng cục TDTT Phạm Gia Huy ký về việc chuyển đơn tố cáo đề nghị Bí thư chi bộ, Phó Chủ tịch Thường trực LĐBĐ VN Trần Quốc Tuấn phải giải trình những vấn đề như đưa vợ và người thân nắm toàn bộ chi tiêu bếp ăn của VĐV, thay biển số xe từ trắng sang 80A xanh sai quy định nhà nước, điều chuyển cán bộ, chấm dứt hợp đồng lao động vô cớ đối với cán bộ quản lý không mắc khuyết điểm.

Các thành viên mỗi người mỗi hướng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đội tuyển. Ảnh: QUANG THẮNG

Cũng cần đề cập thêm ở đây việc điều chuyển cán bộ, chấm dứt hợp đồng lao động vô cớ đối với cán bộ quản lý không mắc khuyết điểm ở đây chính là ông Nguyễn Văn Chương, người từng nắm chức quyền giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ VFF. Thay vào đó là việc đưa “người của mình” vào vị trí quan trọng trên. Trước đó, vụ việc đã ồn ào khiến đại diện VFF phải “ra tòa” từ vụ việc cho nghỉ sai luật và nhận hối lộ…

Qua những đấu đá trên và qua việc buộc phải câu giờ trong chế độ chờ, điều người hâm mộ lo lắng nhất là các đội tuyển đang chuẩn bị bước vào những chiến dịch lớn nhưng các quan bận đấu đá hoặc lo giải trình. Nguy hiểm hơn và đáng lo hơn là Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đang giữ rất nhiều vị trí liên quan đến đội tuyển cùng với vị trí phụ trách ban bóng đá chuyên nghiệp và phụ trách cả công tác trọng tài nữa.

Vừa qua, các PV của Pháp Luật TP.HCM có liên lạc với những người có trách nhiệm liên quan đến công tác chuẩn bị cho đội tuyển thì gặp những kiểu trả lời có lệ và qua loa, không đi vào nội dung do không còn tâm trí để đảm đương phần việc của đội tuyển. Mà kế hoạch từ đấy đến những giải lớn như Asian Games, giải châu Á hay AFF Cup thì phải gắn đến hàng loạt công việc như tập huấn, đầu tư, ăn ở và chuẩn bị.

V-League tuy mang tiếng là do VPF quản lý nhưng rõ ràng giải này cũng chịu ảnh hưởng bởi không ít thành viên của VFF và giải đấu trên vừa qua cũng có nhiều sự cố đáng tiếc. Trong khi đó giải hạng nhất cũng thế, sau vụ trọng tài đột quỵ và tử vong mà chưa ai nhận trách nhiệm nay lại đến vụ tuyển thủ U-20 bị đá gãy chân, có khả năng chia tay sân cỏ… Hoặc vụ áo đội tuyển bị lạm dụng trong quảng cáo của các nhà tài trợ vi phạm luật mà VFF cũng không dám có chính kiến thì sẽ còn nhiều vụ việc bị qua mặt hay cố tình để qua mặt nữa.

Các chiếc ghế của VFF vẫn đang ngấm ngầm bị đấu đá và mỗi thành viên mỗi tìm êkíp mỗi chạy dây theo cách riêng của mình. Tiểu ban nhân sự thì bị “bắt giò” bởi có quá nhiều chiêu trò và đưa ra những quy định phi lý này cứ thay đổi xoành xoạch và câu giờ trong chế độ chờ.

Được biết sắp tới các thành viên ở VFF lại “tham gia” World Cup ở Nga theo dạng khách mời và như thế thì chắc chắn thời gian đó không thể tiến hành đại hội do quy định buộc phải có đủ các thành viên chủ chốt.

Thế là giờ thì cứ câu còn thời gian thì không chờ các đội tuyển làm nhiệm vụ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm