Việt Nam học gì từ Olympic Bắc Kinh

Trung Quốc sẽ ghi vào lịch sử Thế vận hội Olympic một trang chói lọi với những thắng lợi huy hoàng. Không chỉ thắng lợi trọn vẹn trong công tác tổ chức của nước chủ nhà, mà thắng lớn trong thành tích thi đấu thể thao Olympic.

Đội thể dục dụng cụ của Trung Quốc đoạt huy chương vàng tại Olympic Bắc Kinh 2008.
Đội thể dục dụng cụ của Trung Quốc đoạt huy chương vàng tại Olympic Bắc Kinh 2008.

Tự hào quốc gia chiếm vị trí trung tâm của các đội tuyển Olympic. Khi quốc thiều của nước có vận động viên đoạt huy chương vàng được cử lên, vinh quang của cá nhân hòa cùng vinh quang của Tổ quốc. Nếu thiếu khát vọng vinh quang đó, thể thao thiếu một động lực chủ yếu. Nhà thể thao luôn mong sao “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”.

Giới thể thao phương Tây bàn luận về cái cách Trung Quốc tuyển chọn, đào tạo nhân tài thể thao Olympic từ bé, cho là “không thuận tự nhiên”. Phương Tây muốn nhà nước ít can thiệp vào quá trình tổ chức, đầu tư đào tạo các nhà thể thao. Nhưng các quốc gia mới tham gia phong trào Olympic nếu không có nhà nước đầu tư, khi nào mới bứt phá được về thành tích Olympic! Ngoài ra, đây còn là khác biệt trong tiếp cận văn hóa.

Nhiều nước ít dân còn phải thuê vận động viên nước ngoài, cấp cho họ quốc tịch và mọi ưu đãi cần thiết, để có các tuyển thủ Olympic tầm cỡ thế giới thi đấu dưới cờ đội tuyển quốc gia. Tổng thống Grudia Saakashvili đích thân tuyển dụng hai nam vận động viên Brazil thi đấu môn bóng chuyền bãi biển. Qatar và Bahrain đã thuê các vận động viên điền kinh ngoại hạng của Kenya, Morocco, Ethiopia. Henry Cejudo, 21 tuổi, con trai một gia đình Mexico nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, mẹ vẫn chưa nhận quốc tịch Mỹ, là đô vật trẻ nhất Olympic Bắc Kinh đoạt huy chương vàng môn vật tự do sau khi hạ đô vật Nhật Bản, gây chấn động làng vật thế giới và làm sửng sốt người Mỹ, đất nước cưu mang gia đình anh ta.

Vai trò nhà nước trong thể thao cũng cổ xưa như bản thân Olympic. Tại Hy lạp cổ đại, các thành bang chi nhiều tiền của để đào luyện thể lực mạnh mẽ và, theo lời Aristotle, “nâng cao tinh thần dũng cảm”. Hy Lạp thường xuyên tổ chức thi đấu thể thao giữa các thành bang. Mục tiêu chính của các cuộc tranh tài Olympic là mang vinh quang về cho thành bang. Người thắng được hết, người bại mất hết. Kẻ vô địch được tôn vinh anh hùng và hưởng các ưu đãi vật chất.

Cần tìm hiểu, tại sao Trung Quốc, mới giành 1 huy chương vàng Olympic đầu tiên năm 1980, đã bứt phá thành cường quốc thể thao Olympic trong 4 kỳ thế vận hội gần đây?

Tại Olympic Atlanta 1996: Mỹ: 44, Nga: 26, Đức: 20, Trung Quốc: 16.

Tại Olympic Sydney 2000: Mỹ: 40; Nga: 32; Trung Quốc: 28.

Năm 2004, Trung Quốc đoạt 32 huy chương vàng, vươn lên vị trí thứ 2, thua Mỹ 4 huy chương vàng.

Trung Quốc giành nhiều thắng lợi vẻ vang, trước hết, biết nuôi dưỡng ý chí dân tộc cao. Thứ hai, tổ chức giỏi. Thứ ba, đầu tư lớn.

Tập luyện gian khổ để thành tài.
Tập luyện gian khổ để thành tài.

Từ năm 2001, Trung Quốc triển khai Dự án 119 tuyển chọn và đào tạo nhân tài, thuê huấn luyện viên nước ngòai rèn luyện những môn còn yếu nhưng sẽ chiếm số lượng huy chương nhiều. Dự án này mang lại kết quả sớm hơn dự kiến, sẽ được thể hiện rõ hơn tại các Olympic 2012, 2016. Tại Olympic lần này, Trung Quốc đã thành cường quốc thể thao số 1 thế giới: Đến ngày 23/8, Trung Quốc …, Mỹ …, Anh …., Nga …., Đức ….

Thể thao Việt Nam có thể rút ra 3 điểm từ Olympic Bắc Kinh: Thứ nhất, cần nêu cao ý chí tiến thủ, khát vọng quyết tâm đạt tới đỉnh cao thể thao Olympic; thứ hai, xây dựng dự án Olympic 2012-2016, tổ chức tuyển chọn và đào tạo nhân tài Olympic; thứ ba, nhà nước đầu tư lớn cho dự án Olympic như vậy. “Các đại gia” có hảo tâm nên đóng góp từ đầu, chứ đến khi đoàn thể thao quốc gia đã lên đường, mới treo cái giải 200-100-50 triệu đồng cho mỗi loại huy chương, có khác gì treo chùm nho xanh trên cành Olympic chót vót!

Ngày nay, xét về tài lực, nhiều nước khó theo kịp Trung Quốc. Nhưng chả lẽ dân mình cũng không theo được phần nào cái chí quyết tâm tiến lên đài vinh quang Olympic và tổ chức để đạt thành tích Olympic ngày một cao hơn? Các vị lãnh đạo thể thao Việt Nam cần rút ngay kinh nghiệm thành bại tại kỳ Olympic này và ngay sau đây, đề xuất để Nhà nước ta đầu tư thích đáng cho dự án Olympic 2012.

Thể thao Olympic là đỉnh cao của thể thao thế giới. Mọi quốc gia phải vươn tới chiếm lĩnh thể thao Olympic. Việt Nam từ năm 1980 – 2008, tham gia 7 kỳ Olympic, mang về 2 tấm huy chương bạc. Nếu ta cứ tiếp tục tinh thần nhún nhường, khiêm tốn, đến Olympic để “cọ xát”, tự an ủi mình phấn đấu trên sân nhà và loanh quanh khu vực, thì e rằng gần 100 triệu dân Việt Nam khó mà kiên nhẫn hơn nữa, lòng tự hào dân tộc khó mà tránh khỏi tổn thương, nếu các nhà thể thao Việt Nam tại kỳ Olympic 2012 lại chỉ mang về kết quả khiêm nhường.

Theo Nguyễn Ngọc Trường (Tổ quốc)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm