Việc Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu không tổ chức các vụ, cục phía Nam; sáp nhập Vụ Thi đua - Khen thưởng vào Vụ Tổ chức cán bộ; không tổ chức phòng trong vụ có thể xem là một bước đột phá nữa trong công tác tinh giản bộ máy.
Điều này đồng nghĩa sẽ không còn hàng chục chức danh lãnh đạo và nhiều vị trí khác tại các vụ, cục phía Nam. Chỉ đạo này là sự tiếp nối của việc Ban bí thư mới đây yêu cầu chấm dứt bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ “hàm” ở các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị kể từ ngày 1-4-2022. Chức danh bớt đi, bộ máy sẽ gọn hơn, đồng thời sẽ tiết giảm chế độ, hạn chế cơ hội cho những nhũng nhiễu, tiêu cực phát sinh.
Trước đó, Thủ tướng cũng đã ký công điện đề nghị khẩn trương rà soát và đẩy mạnh việc sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong của các bộ, ngành theo Thông báo 16 của Ban chỉ đạo Đổi mới sắp xếp bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng yêu cầu giảm tối thiểu 10% số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Mới đây, Bộ Nội vụ vừa đề nghị sáp nhập nhiều cục, vụ của Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT. Trong đó có cục được đề nghị đổi thành trung tâm - một đơn vị có vai trò thiên về phục vụ.
|
Việc làm tinh gọn bộ máy cần được thực hiện ở mọi đơn vị và vị trí. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Bên cạnh giảm các đơn vị, vị trí lãnh đạo, giảm số lượng công chức cũng là yêu cầu cấp bách. Một ví dụ của việc này là qua thống kê, năm 2021, Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) tham mưu, trình ký 128 văn bản. Tính trung bình mỗi người chỉ trình lãnh đạo bộ 0,7 văn bản/tháng với đa số nội dung trình đơn giản.
Những chỉ đạo và hành động thực thi liên quan đến chuyển đổi, tinh giản bộ máy ở nhiều cấp, đơn vị đang cho thấy quyết tâm mang tính tổng thể của cả hệ thống chính trị. Đó không chỉ là sự cắt giảm về lượng mà còn là sự thay đổi về chất. Tư duy chạy theo vị trí, chức danh của một bộ phận cán bộ, công chức đang dần bị thay thế bởi tư duy đặt kết quả công việc lên hàng đầu; lấy sự thông suốt, nhanh nhạy, hiệu quả làm trọng.
Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nhanh chóng xây dựng chính quyền số đáp ứng đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn, các cơ quan công lập sự nghiệp đang chuyển từ hành chính và quản lý sang phục vụ và quản trị. Phục vụ bằng cách nâng cao chất lượng các dịch vụ công. Quản trị bằng cách sử dụng các dữ liệu, công nghệ để đảm bảo hoạt động tốt hơn. Với tư duy phục vụ và quản trị, chức danh, quyền hạn chỉ là công cụ để thực hiện trách nhiệm, người dân thực sự là đối tượng trung tâm.
Dù vậy, công tác tinh giản bộ máy không chỉ xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn mà cần mang tính chủ động đón đầu. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ số và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về các địa phương cho phép công tác này được thực hiện thống nhất, quyết liệt ở mọi đơn vị, mọi khâu và từng vị trí trong bộ máy.
Đi cùng với đó là khuyến khích các đơn vị nâng cao mức độ tự chủ về tài chính để bảo đảm ổn định và phát triển. Thậm chí, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, đối với các đơn vị không cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu cần đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ theo hướng bảo đảm chi thường xuyên trở lên và chuyển đổi thành công ty cổ phần.