Dân ngụ cư vượt khó, đổi đời

Theo một thống kê chưa đầy đủ thì trong khoảng 10 triệu dân TP.HCM có đến trên dưới ba triệu người ngụ cư. Họ là công nhân các khu công nghiệp, công nhân xây dựng, lao động tạp vụ, mua phế liệu, bán hàng rong, vé số, sinh viên... Hầu hết họ từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung nhập cư vào TP, tạm trú trong những căn nhà thuê, phòng trọ rất nhếch nhác, tạm bợ...

Những “công dân hạng hai” của TP

Hằng ngày chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh những người ngụ cư mọi lúc, mọi nơi trong TP. Đó là những công nhân xây dựng trên công trường; những người đi gom mua phế liệu với chiếc xe đạp ọp ẹp chở cồng kềnh trên đường mà đôi lúc làm ta khá bực mình vì vướng víu; những bà cụ, những em bé bán vé số, những chị bán hàng rong ngang dọc trên đường quanh các quán nhậu bình dân vỉa hè...

Những người mới đến ngụ cư thiệt thòi đủ bề: Không hộ khẩu nên phải trả tiền điện, tiền nước gấp đôi, gấp ba giá chính thức, mặc dù họ sống chui rúc trong những căn phòng cho thuê chật chội, ngột ngạt, những căn gác ọp ẹp, những căn nhà “cấp bốn rưỡi” xây tạm bợ chỉ có bốn bức tường và mái tôn thấp lè tè trong các hẻm sâu hun hút, bên bờ kênh nước đen ngòm hôi hám. Nhưng họ vẫn phải thuê để có chỗ về ngả lưng qua đêm sau suốt ngày vất vả mưu sinh. Có những căn phòng rộng mươi mét vuông nhưng đến năm, sáu người ở. Vì điều kiện sống thiếu vệ sinh, ăn uống qua loa với các loại thực phẩm độc hại nên phần đông người ngụ cư đều mang bệnh, cho dù sức đề kháng của cơ thể họ rất cao. Ngoại trừ công nhân được các công ty, xí nghiệp mua bảo hiểm, rất ít người trong số họ mua bảo hiểm y tế nên khi ốm đau rất khốn đốn... Với các điều kiện sống và sự phân biệt đối xử của chính quyền mà phần thiệt thòi thuộc về những “công dân hạng hai”. Trong khi họ có thu nhập thấp nhưng mọi chi phí lại cao, vì vậy họ phải lao động cật lực, tiêu pha dè xẻn, ăn uống qua loa miễn no bụng để có đồng dư gửi về quê phụ giúp cha mẹ, nuôi con ăn học. Kiếm được miếng ăn đã khó nên chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm đang được ráo riết tuyên truyền có vẻ xa xỉ với dân ngụ cư. Kể cả công nhân các khu công nghiệp cũng nhắm mắt ăn liều các suất ăn giá rẻ thì nói chi vệ sinh an toàn thực phẩm! Khó mà kể hết những nỗi vất vả, thiệt thòi của dân ngụ cư. Thế nhưng...

Sức chịu đựng và những gương vượt khó của dân ngụ cư

Rất nhiều người sau một thời gian vào TP ngụ cư và mưu sinh đã đổi đời, trở thành những công dân chính thức. Tôi xin kể một trường hợp có thể coi như một gương vượt khó và đổi đời điển hình. Khoảng mươi năm trước, thường cuối tuần tôi ngồi lai rai với bạn bè ở mấy quán nhậu bình dân quanh khu Phú Nhuận, Bình Thạnh. Tôi thường mua ủng hộ một chị bán nem tré, trứng cút, đậu phộng. Chị gầy nhom, đen nhẻm, đi một chiếc xe đạp cà tàng, dựng vào cột điện rồi xách mấy cái túi nặng trĩu đi quanh các quán nhậu mời khách. Lâu dần thành khách quen, chị cho biết: Hai vợ chồng từ Quảng Ngãi vào, thuê cái phòng nhỏ xíu ở Gò Vấp tạm trú. Chồng đi phụ hồ, chị bán hàng rong, dành dụm gửi tiền về nuôi mẹ già và hai đứa con đi học. Chị mơ ước được đưa hai con vào TP ở với anh chị cho đi học, để chúng ở quê với bà nội già mắt mũi kèm nhèm, nấu cơm lúc sống lúc chín cho tụi nhỏ ăn, nghĩ mà xót quá! Nhưng cả anh chị cũng không có hộ khẩu thì làm sao xin học cho bọn nhỏ? Tôi áy náy vì chẳng giúp được gì cho chị.

Sau này tôi dọn nhà đi nơi khác, không còn la cà ở khu vực đó nữa. Bẵng đi gần mười năm, tôi cũng quên mất người phụ nữ gầy gò, đen nhẻm ấy. Vừa rồi ngồi quán với anh bạn ở đường Quang Trung, Gò Vấp, một phụ nữ bán hàng rong nhưng gọn gàng trong bộ đồ cắt khéo, dừng xe máy, bước đến chào. Chị bán hàng rong năm nào. Tôi hết sức bất ngờ vì sự thay đổi của chị. Hỏi thăm chuyện nhà, chị mừng vui cho biết hai vợ chồng dành dụm mua được cái nền 60 m2, cất được cái nhà cấp bốn nhưng khá khang trang. Anh đã vào làm công nhân trong một công ty xây dựng lớn, lương khá ổn định, nhà đã có hộ khẩu sau mấy năm tạm trú dạng KT3 - kể cả hai đứa con, nay một đứa đã vào đại học, một đứa lớp 11. Chị cũng ngậm ngùi cho biết bà nội mấy cháu đã mất vì té sông trong mùa lũ gần mười năm trước. Hiện nay chị chỉ đi bán buổi tối, ban ngày ở nhà lo cơm nước cho ba cha con. Tôi cũng hết sức vui mừng vì sự đổi đời của gia đình chị chỉ sau ngần ấy năm. Vui mừng cho sự đổi đời của hàng ngàn, hàng vạn người ngụ cư sau một thời gian vượt khó...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm