Đi… múa rối

Ông Năm Sài Gòn người hơi lùn, tròn, nói năng chậm rãi vì có hai hàng tiền đạo mới trồng:

- Nghe nói ông mới đi hội chợ Expo về. Ông có ghé Nhà Việt Nam (VN) xem không? Tui thấy cái bà doanh nhân đi xem về phê bình quá, không biết có đúng không?

Chậm rãi chiêu ngụm cà phê, ông Chợ Lớn gật đầu, nhanh nhảu:

- Không phải đúng. Mà quá đúng! Nhưng thôi, bàn chuyện đó làm gì, tôi chỉ thấy một điều ngồ ngộ anh Năm ạ.

- Ngồ ngộ cái gì?

- Tui không hiểu sao trước cửa Nhà VN trong Expo, ban tổ chức VN lại cho treo một con rối hình phụ nữ cà lủng cà lẳng, cà lúc cà lắc như con ma thắt cổ. Rồi một bên hông lại có tượng một người đàn ông quỳ gối, vòng tay chào, bụng tròn trùng trục, tóc thắt hai bím. Anh Tiêu Quốc Lợi, một người trong đoàn tui, nói: “Người VN hiếu khách nhưng đâu có đón khách vào nhà trong tư thế quỳ như vậy”. Chưa hết, phía trước cổng nhà thì có ảnh mấy con rối hình người đang cày trâu trên ruộng nước… Sao cái gì cũng dùng con rối hết vậy? Tui không hiểu.

Anh Năm nói chậm rãi, thông thái:

- Nè, nghe cho kỹ, đừng có chen vô bản họng tui nghe. Ông có biết gì về rối không, để tui nói cho nghe. Múa rối nước ra đời cùng nền văn minh lúa nước vùng châu thổ sông Hồng nhưng phát triển vào triều đại nhà Lý (1010-1225). Loại hình này thường diễn vào dịp lễ, hội làng, ngày vui, ngày tết, dùng con rối diễn trò, diễn kịch trên mặt nước. Trò rối nước cũng được coi là nét văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc VN. Múa rối có ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng múa rối nước thì chỉ duy nhất có ở VN.

- Cám ơn anh đã khai sáng cho tui về trình độ múa rối của anh…

- Ê, tao đá mày một cái bây giờ, chọc quê tao là múa rối hả mày? Đời này nhiều thằng múa rối lắm rồi, tao không muốn dính vô cái lũ múa rối đó nhe…

- Làm người không nên… nóng tính vì múa rối. Giỡn chơi với anh chút mà. Nói thiệt, tui đồng ý với ông về nghệ thuật múa rối nước với những hình tượng con rối độc đáo của người VN. Nhưng anh nên nhớ khi một hình tượng, hình thể dùng trong nghệ thuật biểu diễn bị tách rời khỏi không gian biểu diễn của nó sẽ trở nên lẻ loi, đơn độc thì không có vị trí và cũng không biểu trưng được cái gì cả. Con rối múa nước thì phải được đặt trong không gian biểu diễn của nó là một sân khấu có ao nước, có những hình tượng khác chung quanh mới gắn kết được không gian và thời đại cũng như nói lên được nội dung của vở diễn. Còn đằng này một con rối nữ bị treo lủng lẳng trước mặt tiền, trên chữ giới thiệu Nhà VN xem có giống ai không? Chưa kể đến hai ông hình nhân, tóc thắt hai bím dùng để thế mạng cho ai không biết nữa?

- Nhưng múa rối nước đoạt nhiều giải thưởng văn nghệ múa rối trong các liên hoan thế giới lắm… Nói múa rối nước là nói đến VN.

- Đúng. Nhưng tôi hỏi anh, đâu phải ai trên thế giới cũng phải biết múa rối nước là đại diện cho văn nghệ VN. Anh là người VN anh có biết kịch Nô của ngươi Nhật, Kinh kịch của Trung Quốc, múa Dù Kê của người Campuchia không? Không lẽ Nhà Nhật Bản, Nhà Trung Quốc… người ta lại treo hình tượng mấy nhân vật kịch này lên trước cửa nhà à? Nếu người nào biết thì họ sẽ tưởng là Nhà VN đang giới thiệu và biểu diễn văn nghệ truyền thống trong liên hoan văn nghệ thế giới… Tui hỏi anh, anh có dám treo con rối cà lúc cà lắc này trên cửa nhà anh không?

- Tao đâu phải đại diện cho nước VN tham gia Expo mậy? Với lại, nhìn cái ảnh tao thấy treo trước cửa nhà giống con ma, xui lắm.

- Hèn chi…

- Hèn chi bây giờ tui mới biết là người ta sắp hàng vào Nhà VN là để coi văn nghệ vì có đội văn nghệ dân tộc hay lắm, giống Expo Thượng Hải 2010 vậy đó. Đi Expo để bán hàng thủ công mỹ nghệ và biểu diễn văn nghệ dân tộc.

- Tao có ý như vầy, vậy là năm 2020 có Expo Dubai nên để Nhà VN cho Cục Hợp tác quốc tế

- Không. Tôi đề nghị lập một cục mới chuyên tổ chức Nhà VN tại các Expo đó là Cục…

- Cục gì mậy? Đừng nói là Cục…

- …Hợp Tác Múa Rối.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm