Khi biết thông tin trước khi đọc báo

Mỗi khi có một sự kiện gây chấn động dư luận, điều mà người dân chờ đợi nhất là sự nhanh nhạy của chính quyền và báo chí trong việc chuyển tải các thông tin chính thức. Tất nhiên, nếu cách đưa tin ấy thuyết phục, những tin đồn khiến dư luận hoang mang sẽ mau chóng bị dập tắt. Ngược lại, việc truyền thông không hiệu quả sẽ làm mai một lòng tin của cộng đồng.

Khi người ta biết tin trước khi đọc báo

Trong tuần qua, sau vụ thảm sát tại Bình Phước, xã hội lại một phen rúng động bởi vụ máy xúc được cho là đã chèn lên một người dân tại huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Nhiều giờ sau khi thông tin này lan nhanh trên mạng xã hội, người ta mới đọc thấy tin về vụ việc trên mặt báo. Đáng tiếc là thay vì tôn trọng nguyên tắc đưa tin trung thực và khách quan, có tờ báo đã tự chỉnh sửa ảnh được cắt ra từ clip mà chính họ đã đăng để bỏ đi một chi tiết quan trọng. Một chút gian dối đó cũng đủ để khiến người ta mất lòng tin vào báo chí. Và đáng tiếc hơn nữa là chỉ vài giờ sau khi đăng tin xác nhận vụ việc, các báo lại đăng bài phủ nhận hoặc gỡ bỏ bài trong khi mạng xã hội vẫn đang tiếp tục đào sâu vấn đề.

Có lẽ chưa bao giờ báo chí chính thống chịu nhiều “áp lực” trong việc đưa tin như hiện nay vì nhờ cập nhật trên mạng xã hội, gần như người ta đã biết tin trước khi đọc báo. Do vậy, nếu báo không đưa tin sâu hơn, đáng tin cậy hơn, việc truyền thông sẽ ép phê ngược và người ta sẽ tin chắc vào những gì mình đọc được trên Facebook bất kể hư thực thế nào.

Gỡ ngòi nổ sao cho khéo?

Lâu nay những vụ việc liên quan đến khiếu kiện đất đai, ngừng việc tập thể… vẫn được xem là thông tin mang tính “nhạy cảm” trên mặt báo vì có thể gây phản ứng tiêu cực trên diện rộng, tạo nên những ngòi nổ. Vì lẽ này mà nhiều tờ báo đã chọn giải pháp tránh né đề cập thông tin hoặc nếu có thì áp dụng cách đánh tráo khái niệm, lược bỏ chi tiết để an toàn. Xét về nguyên tắc và đạo đức truyền thông, nếu vì lý do nào đó không thể đưa tin chính xác, có lẽ việc không đưa tin dễ được cộng đồng cảm thông hơn là tường thuật một cách dối trá.

Có lẽ bây giờ là thời điểm thích hợp để chính quyền và báo chí cùng xem lại cách xử lý khủng hoảng trong thông tin. Nhằm cân bằng giữa thông tin chính thống và tin lan truyền trên mạng xã hội, các kênh thông tấn nước ngoài như CNN đã có hẳn diễn đàn cho người đọc làm báo (mục iReport) để cá nhân lên tiếng về các vấn đề xã hội và chịu trách nhiệm về việc đưa tin của mình. Theo chiều hướng này, một số tờ báo trong nước đã có chuyên mục “Tôi viết” để mở rộng góc nhìn của người đọc. Tuy vậy, vấn đề là cách xử lý khủng hoảng thông tin của chính quyền và báo chí vẫn như cũ trong khi vốn hiểu biết cũng như khả năng tiếp cận vấn đề của người dân đã được mở mang, mở rộng hơn trước.

BENJAMIN NGÔ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm