Máu me khởi nghiệp trong giới trẻ

Chưa bao giờ phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ khí thế như hiện nay. Và cũng lần đầu từ sau ngày thống nhất đất nước, năm nay thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT ít bị áp lực nhất, nhất là được chia làm hai nhánh thi: Nhánh thi có xét tuyển đại học, cao đẳng và nhánh chỉ cần thi tốt nghiệp THPT.

Đâu chỉ đại học, cao đẳng...

Những năm gần đây, khi mà mạng xã hội gần như ăn sâu trong từng ngõ ngách của đời sống, những hình mẫu khởi nghiệp, làm giàu không nhất thiết phải có bằng đại học - thậm chí bỏ ngang đại học nhưng cực kỳ thành công như Bill Gates, Mark Zuckerberg... đã làm thay đổi nếp nghĩ, lối sống của một bộ phận lớp người trẻ hôm nay. Mới rồi thằng cháu vừa học xong năm 3 ĐH KHXH&NV tuyên bố bỏ ngang, rẽ sang con đường sản xuất kinh doanh. Nó xin theo một ông bạn tôi đang làm trang trại rau ở Lâm Đồng học nghề trồng rau sạch. Nó về năn nỉ ỉ ôi với bà chị tôi xin 100 triệu đồng làm vốn khởi nghiệp. Nó bảo: “Mẹ cho con mượn và coi như đã lo cho con xong đại học rồi”. Nó nói chắc nịch: “Ba năm sau con sẽ trả vốn lại cho mẹ”. Thấy nó tha thiết và quyết chí quá, bà chị tôi bấm bụng rút tiền tiết kiệm đưa cho nó nhưng trong lòng không yên. Tôi bảo thì chị cứ coi như lo tiền nó học hai năm đại học nữa đi. Thành bại gì nó cũng có được những bài học. Cứ thử xem. Hiện giờ nó đã lên thành phố ngàn hoa cùng với mấy bạn nó tham gia chương trình trồng rau sạch và trồng hoa hay gì đó. Cầu cho chúng nó thành công.

Còn cô con gái rượu của ông bạn tôi năm nay mới ngoài 20, đang du học ở Úc, năm rồi nghỉ hè về thăm nhà, bỗng nhiên nó bảo thôi không học nữa. Nó xin tiền cha mẹ mở chuỗi cửa hàng trà sữa, nước giải khát đặc biệt gì đó mà nó học được công thức pha chế của thổ dân Úc. Vợ chồng bạn tôi là doanh nhân có máu mặt trong ngành chăn nuôi, có mỗi cô con gái rượu, đầu tư cho nó học về quản trị kinh doanh hy vọng mai mốt nó về nối nghiệp, rồi gả chồng giao cơ ngơi cho nó. Thế mà...

Còn cô bé bảo: “Cháu không thích chăn nuôi, không thích kinh doanh gia cầm gia súc, cũng không thích dựa dẫm vào cha mẹ. Cháu thích tạo thương hiệu riêng của cháu”. Ông bà bạn tôi thương con chiều nó, giao cho nó một cục tiền, bảo cứ làm đi. Tôi nói: “Biết đâu nó làm chơi mà ăn thiệt đó ông”.

Nhưng đâu phải bạn trẻ nào khởi nghiệp cũng được cha mẹ hỗ trợ và có điều kiện như hai câu chuyện kể trên. Có trường hợp phải nghỉ học ngoài ý muốn, bươn chải kiếm sống rồi tạo dựng thương hiệu và phát triển dần lên. Như trường hợp một đại gia trẻ tuổi trong ngành địa ốc hiện nay, bạn của thằng cháu tôi làm trong ngành xây dựng. Lúc cậu ta đang học đại học, cha cậu bị bệnh nan y, cả nhà dồn hết tiền bạc lo chạy chữa nhưng ông vẫn không qua khỏi. Cậu phải nghỉ học xin đi làm. Vừa làm ở một công ty xây dựng vừa chạy cò nhà đất cho mấy công ty dịch vụ địa ốc. Sau một thời gian ngắn, cậu mở công ty môi giới và xây dựng. Đúng thời điểm thị trường địa ốc phát triển, cậu phất nhanh đến chóng mặt.

Lan tỏa nhanh

Còn nhớ một thời không xa, áp lực phải vào đại học đã làm điêu đứng, khốn khổ nhiều người, nhiều gia đình. Nhiều nhà nghèo rớt mồng tơi, cha mẹ ăn không đủ no nhưng vẫn ráng gom góp để lo cho con vào đại học cho bằng vai phải lứa với anh em, nở mày nở mặt với họ hàng, làng xóm. Mới chỉ được vào đại học thôi, còn vào học cái gì, để làm gì cũng chưa biết được! Thậm chí còn có câu cửa miệng: “Phi đại học bất thành phu phụ”.

Cái tư tưởng trọng đại học ấy ăn sâu cả các xã hội láng giềng Trung Quốc, Hàn Quốc. May sao cái tư tưởng ấy hiện nay đã nhạt nhòa. Thay vào đó là tư tưởng khởi nghiệp bất chấp đại học, cao đẳng. Chuyện khởi nghiệp có lẽ là đầu môi của một bộ phận lớn của giới trẻ hiện nay. Cả những người đã ra trường, đi làm và cả những bạn trẻ vẫn còn mài đũng quần trên ghế nhà trường. Nó có sức lan tỏa rất nhanh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm