Ngôi chùa mang tên… Tây

Lâu nhất có lẽ là chùa Giác Lâm (hiện ở đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình) do một người Minh Hương là Lý Thụy Long quyên góp và xây dựng vào năm 1774. Chùa Kim Chương, lập năm Ất Hợi 1755. Rồi chùa Khải Tường, chùa Kiểng Phước, chùa Cây Mai…

Qua chiến tranh và dưới sự tàn phá của quân Pháp, chùa còn chùa mất. Quân Pháp thường đóng quân trong chùa, dùng chùa như một cơ quan chỉ huy hay công sự. Bọn thực dân Pháp đã thiết lập một “Chiến tuyến chùa miễu” (Ligne des Pagodes) gồm chùa Khải Tường, đền Hiển Trung, chùa Kiểng Phước và chùa Cây Mai. Những chùa này đều trở thành đồn lũy, bọn lính Pháp tha hồ tung hoành, bố trí như trại nhỏ, bên ngoài quân sĩ tới lui để bắt giết những kẻ bị tình nghi (theo Sơn Nam). Các ngôi chùa này đều có điểm chung là được đặt tên bằng chữ Hán hoặc chữ Việt.

Bài viết này tôi muốn nói đến một ngôi chùa khá đặc biệt. Một ngôi chùa được gọi bằng tên Tây nhưng lại chẳng phải do người Pháp xây. Thực dân Pháp chỉ phá chùa là chính chứ không thích cho dân chúng xây thêm chùa! Trước khi nhắc đến ngôi chùa này, tôi muốn quay về thời Sài Gòn hồi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Khoảng năm 1914-1918, bọn thực dân ở Đông Dương nói chung, Nam Bộ nói riêng đã đặt ra quy chế lính thợ (ONS) để làm những dịch vụ hậu cần cho quân đội Pháp đang đánh Đức. Dân chúng, thanh niên trai tráng bị bắt buộc đi tùng chinh, dưới khẩu hiệu đầy oanh liệt “Rồng Nam phun đổ Đức tặc”. Bị bắt đi làm lính thợ, đau xót vì cảnh phân ly vợ chồng, trong dân chúng đã truyền miệng một bài vè dân gian:

 Tui nghe nhà nước mộ dân, những lo những sợ chín phần mười em ơi/ Anh đi ra mặt biển chân trời, ơn cha nghĩa mẹ hai nơi chưa đền/ Dầu mà ông Tây bắt làm phên, nhứt thắng nhì bại, không quên cái nghĩa sinh thành/ Xói (?) em vò võ một mình, anh đi ra biển thẳm non xanh tư bề/ Vai mang khẩu súng, lưng giắt lưỡi lê/ Thôi em bồng con dại lui về mần ăn/ Ví dầu anh có mần răng, nơi mô xứng gió vừa trăng em đã đành/ Phận anh thập tử nhứt sanh/ trên trời mây đen kịt, dưới nước xanh dờn dờn/ Tứ bề sóng bổ như sơn, đau lòng xót dạ nhiều cơn lắm bớ nàng/ Trăm lạy ông trời đặng chữ bình an/ Đóng lon chức đội về làng hiển vinh… Xuống tàu, ông sứ lựa được rồi, mề rô (numero) ông sứ phát, ra ngồi thở than/ Bạc chín chục đồng nhà nước phát ra, em đem về mua trâu, thuê đất, làm nhà nuôi con/ Chúc hai bên cha mẹ vuông tròn, phận anh đây như khúc gỗ trôi giữa biển.

Đọc bài vè này thấy cả một sự sầu thảm, chưa đi mà như “đã chết trong lòng một ít” vì họ đi chỉ để làm “phên” (vách) đỡ đạn cho Pháp, khóc rưng rức với vợ con, dặn dò, trối trăng trước vì ra đi kể như là “chìm tàu”. Rồi có vụ tàu chìm thật.

Mãn hạn có hai người thợ Việt được trở về Sài Gòn trên tàu thủy của quân đội Pháp. Khi tàu chạy ngang vùng Ả Rập (biển đỏ), máy bay Đức truy nã oanh kích, tàu chìm. Hai người lính thợ lội dưới biển cầu nguyện Phật bà Quan Âm nếu còn sống sẽ xây chùa để thờ phượng. Chắc lòng thành của hai người lính thợ này được trời Phật chiếu cố nên sau đó họ được một chiếc tàu Pháp khác vớt, đưa về Sài Gòn bình an vô sự.

Hồi ký của nhà văn Sơn Nam cho biết hai người ấy khi trở về đã cùng nhau xây một ngôi chùa thờ Phật bà Quan Âm, được bà con sống xung quanh ngôi chùa gọi bằng một cái tên rất là… ngoại ngữ: chùa Mạch Lô (matelo - lính thủy).

Ngôi chùa ấy là ngôi chùa cuối cùng mà hòa thượng Thích Quảng Đức trụ trì trên đường Nguyễn Huệ (tỉnh Gia Định).

Đó là chùa Quan Thế Âm, đường Thích Quảng Đức (Phú Nhuận, TP.HCM) hiện nay!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm