Người Sài Gòn và nợ ân tình

Người đi trước, giàu có hoặc nghèo nhưng với tấm lòng lành đùm lá rách, một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ sẵn sàng giúp đỡ, của ít, lòng nhiều cho người đi sau đang gặp cơn khốn khó một cách vô tư và rồi những người đi sau này lại tiếp tục thực hiện hành động của người đi trước. Đấy là trả nợ ân tình mình nhận ơn của người đi trước thì phải trả nợ ân tình cho người… đi sau.

Người từ mọi miền đến với vùng đất Sài Gòn lạ lẫm, được vòng tay giúp đỡ sẻ chia. Tháng ngày dài lâu, những lưu dân trở thành người của vùng đất mới và trong tâm hồn họ thấm nhuần tinh thần ân tình mắc với người đi trước và phải trả lại cho thế hệ đi sau. Ai bắt mà họ trả. Chỉ có tấm lòng đôn hậu, đầy nghĩa cử, đầy yêu thương và tôn trọng chữ tín, chữ nghĩa mới bắt họ phải trả nợ ân tình…

Bỗng dưng tôi đi lẩm cẩm bàn chuyện nhân tình vì khi đọc báo thấy anh Nam Đồng, bạn già của tôi, trả lời báo chí khi anh nhận giải thưởng Kova: “Chúng tôi tự lập chuỗi quán cơm xã hội Nụ Cười, lấy đúng tên quán cơm ngày xưa chúng tôi đã từng ăn như một cách trả nợ ân tình với mảnh đất này”.

Nhà báo Nam Đồng (đứng) với thực khách tại quán cơm Nụ cười.

Tôi nghĩ hết sức chủ quan, nếu không có những quán cơm từ thiện cho người nghèo của một số tư nhân và tổ chức từ thiện và rồi đến quán cơm Nụ Cười mà anh Nam Đồng tự nhận là người đồng sáng lập với một số anh em thân hữu thì chắc ít ai biết trước năm 1975 đã có những quán cơm xã hội. Quán cơm xã hội là những quán cơm cho mọi người ăn với giá rẻ do Nha xã hội tổ chức và thực hiện. Người ăn không có mặc cảm là người đi xin bởi vì họ cũng phải trả một số tiền hết sức tượng trưng là 5 đồng. Trong quán cơm xã hội có lao động, thợ thuyền, người nghèo, sinh viên, học sinh và có cả công, tư chức. Những viên chức, giáo viên hay bất cứ thành phần nào trong xã hội đều có quyền vào ăn và không có mặc cảm giành phần ăn của người nghèo, miễn là họ chấp nhận ăn thức ăn bình thường, có thể không ngon do không phù hợp khẩu vị chỉ trừ chuyện cơm lúc nào cũng làm họ no bụng (chưa nói đến trái chuối và ly trà đá nữa).

Khi anh Nam Đồng cùng nhiều người bạn thành lập cơm Nụ Cười 1 ở đường Hồ Xuân Hương, nhiều tối trước ngày khai trương, tôi đều ngồi với anh để chia sẻ và góp đủ ý kiến loạn xạ. Anh cho biết là vẫn có thể mở quán cơm không lấy tiền nhưng làm như vậy sẽ là làm từ thiện. Quán cơm từ thiện, miễn phí nhiều nơi đã mở. Anh chỉ muốn mở loại hình quán cơm xã hội, người vào ăn sẽ trả một số tiền nhỏ để họ cảm thấy không phải là người đi xin ăn. Mô hình này, như anh đã trả lời, là để trả nợ những quán cơm xã hội Nụ Cười khi anh còn đi học tại Sài Gòn, là sinh viên và hoạt động cách mạng.

Tôi biết anh Nam Đồng nhiều vì đã từng làm việc chung từ ngày đầu ở báo Tuổi Trẻ. Anh chính là người có sáng kiến và được sự thống nhất cao của ban biên tập báo Tuổi Trẻ - những người là sinh viên, học sinh Sài Gòn ngày xưa gây dựng những chương trình công tác xã hội cho người nghèo, chương trình Vì ngày mai phát triển vào giữa những năm 1980. Những chương trình này đã giúp đỡ cho hàng vạn học sinh, sinh viên tiếp tục ước mơ học hành và nhiều người đã thành những tài năng của đất nước. Những người như Lê Nguyễn Minh Quang, Tổng Giám đốc Bachy Soletance; Đào Thị Hằng, Giám đốc dự án cho phụ nữ nghèo làng chài… và rất rất nhiều người nữa là những người đã nhận học bổng Vì ngày mai phát triển và hiện đang trả nợ ân tình chương trình này bằng cách tiếp tục giúp đỡ tài chính và tinh thần cho chương trình này vô cùng tích cực.

Không khoe khoang, tự nhận công lao về riêng mình, khi lãnh giải, anh Nam Đồng luôn nhắc đến tên những người bạn đã đồng cam cộng khổ, âu đó cũng là cách trả nợ ân tình cho nhau. Có phải chăng đó là tính cách của người Sài Gòn: Dù mang một chút xíu ơn cũng xin đừng quên khi thành công.

_____________________

Người giữ mục rất mong bạn đọc cùng nhau viết bài, đóng góp để xây dựng Góc nhỏ của chúng ta ngày càng sinh động, hấp dẫn với muôn màu của cuộc sống. Bài vở xin gửi về địa chỉ:onggiaun@yahoo.com

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm