Ra bãi rác tìm cuộc sống an toàn

Ngồi giữa đống ve chai loang lổ, anh Huỳnh Tấn Khởi mò mẫm sửa lại con diều mới nhặt trong thùng rác ngoài lộ ban sáng. Anh nói phải tranh thủ làm để lát “thằng chó” (con anh) học về có cái để chơi. Ngày trước anh Khởi làm đủ nghề từ bảo vệ chợ đêm, công nhân may, mổ heo dạo… rồi dạt vào bãi rác này mưu sinh được hai năm nay.

Đến nay đã gần hai năm anh Khởi gắn bó với công việc mỗi ngày đến nhà dân chở rác ra bãi đổ, rồi lục trong đó tìm kiếm đồ bán ve chai. Anh hào hứng: “Lương cứng mỗi tháng được 6 triệu đồng, trừ tất cả chi phí cũng còn dư gần một nửa. Tiền ít hơn hồi xưa nhưng cuộc sống thoải mái hơn nhiều lắm”.

Những đứa trẻ say sưa với cánh diều cũ được cha mẹ nhặt về. Ảnh: HOÀNG LÊ

Vào nghề trước anh Khởi bốn năm, anh Sơn Long Bình rời quê Trà Vinh khi mảnh ruộng chua phèn không nuôi sống được vợ con. Anh Bình lang bạt khắp nơi mưu sinh rồi dừng chân ở bãi rác. “Sáng 5 giờ phóng xe vô mấy con hẻm lấy rác, đến 11 giờ trưa là nghỉ. Chiều chiều đi bẫy chim, câu cá. Tối đến ngủ thẳng cẳng khỏi cần đóng cửa, vì bãi rác có trộm cướp nào thèm tới. Sướng như tiên vậy đó!” - anh Bình chia sẻ.

Không thảnh thơi như anh Bình, chị Huỳnh Thị Kim Hoa (39 tuổi, người Long Xuyên) thoăn thoắt đào bới đống rác ngổn ngang cạnh nhà, kiên trì kiếm tìm sự sống dưới mớ phế thải. Trung bình mỗi tháng vợ chồng chị bán được 2 triệu đồng tiền ve chai. Chị bảo vậy là nhiều rồi, hồi đó ngụp lặn với xe bánh mì mà chẳng khi nào no đủ, lại bị tụi giang hồ bảo kê quậy phá suốt.

Hai đứa con chị Hoa đứa lớn vừa lên tám, đứa nhỏ đến tuổi vô mẫu giáo nhưng với số tiền ít ỏi kiếm được, chị không thể nào cho chúng đến trường. Người mẹ nói sẽ đưa con vô lớp tình thương, học lấy cái chữ để sau này có đi đây đi đó làm gì cũng tiện, chứ phận mình vầy trông mong gì hơn.

Hỏi chị căn lều ghép bằng mấy vỏ bao trống huơ trống hoác vậy tối ngủ muỗi chích sao chịu nổi, chị Hoa cười: “Ở đây gió thổi lồng lộng như ngoài biển, mát mẻ lắm. Đất cũng rộng rãi, có chỗ cho mấy đứa nhỏ chạy nhảy. Hồi xưa vợ chồng cứ mơ ước có được mảnh đất nho nhỏ trồng rau nuôi gà, bây giờ trời cho thỏa nguyện rồi”. Nói vậy nhưng chị Hoa xác định chỉ ở kiếm sống tạm thời, chứ ngày qua ngày để con hít mùi rác thải, xót xa lắm.

Tối đến, những câu chuyện tình nghĩa của dân làm rác lại vang lên rôm rả. Chuyện anh Bình mỗi ngày đưa đón giúp hai đứa con nhà hàng xóm đi học vì cha mẹ chúng không có xe đi. Chuyện chị Hoa lâu lâu bới được cái điện thoại cùi bắp bán được mấy chục ngàn đồng mua bánh cho tụi nhỏ trong bãi rác. Chuyện những người trong xóm đang nghĩ cách giúp chị Hoa làm thủ tục đăng ký tạm trú để chị xin cho mấy đứa con vào lớp học tình thương. Chuyện hễ có ai đau ốm là cả bãi rác thay phiên nhau chăm…

Ở gần tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ngày nào họ cũng chứng kiến nhiều thanh niên đua xe, chửi bới, lạng lách, đánh võng. Có hôm chỉ trong một đêm mà ba, bốn người chết vì tai nạn. Anh Khởi khoát tay, nói như đinh đóng cột: “Ngoài kia nhìn lộng lẫy xa hoa mà nguy hiểm lắm, chỉ có bãi rác nhem nhuốc này là an toàn, tình cảm thôi!”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm