Thí điểm quản xe ôm công nghệ ở Hà Nội và TP.HCM?

Ngay sau thông tin đề xuất quản lý xe ôm công nghệ được đưa ra, dư luận xã hội có ý kiến đồng thuận và phản bác. Để làm rõ đề xuất này, PVPháp Luật TP.HCMđã có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, người đề xuất biện pháp quản lý chặt loại hình xe ôm công nghệ.

Một thế lực mới

. Phóng viên:Trước sự phát triển nhanh của xe ôm công nghệ, cơ quan chuyên trách về an toàn giao thông đã đưa ra đề xuất quản lý loại hình dịch vụ trên. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Ông Khuất Việt Hùng

+ Ông Khuất Việt Hùng:Đầu tiên cần phải thấy rõ thực tế hiện nay, với sự ra đời và gia nhập thị trường của các nền tảng công nghệ như GrabBike, Go-Bike, FastGo, Vato..., vận tải hành khách bằng mô tô, xe máy đang trở thành một thế lực trong vận tải. Loại hình xe ôm công nghệ đang quy tụ hàng trăm ngàn người, phương tiện tham gia... và đã chiếm thị phần đáng kể trong lĩnh vực vận tải.

. Câu chuyện quản lý luôn gây ra nhiều tranh cãi, nhất là giới tài xế xe ôm công nghệ. TP.HCM cũng đã từng quản lý xe ôm bằng hình thức nghiệp đoàn nhưng không thành công. Vậy chúng ta sẽ quản lý xe ôm công nghệ với mô hình nào khi chưa có tiền lệ và cả cơ sở pháp lý?

+ Hiện nay Bộ GTVT có Thông tư 08 quy định vận chuyển hành khách bằng ô tô, xe máy. Tuy nhiên, quy định về vận chuyển hành khách bằng xe máy thì không nhiều, không có những quy định về an toàn mà chỉ quy định thông thường cho hoạt động xe ôm truyền thống nhỏ lẻ và chủ yếu là các quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Chắc chắn sẽ có ý kiến cho rằng cái gì chúng ta cũng muốn quản lý nhưng cần phân tích ở đây trách nhiệm của Nhà nước khi phát hiện ra trong thực tiễn của xã hội có những vấn đề mà nó ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, an nguy giao thông, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng thì chúng ta có trách nhiệm phải ban hành các quy định cần thiết để quản lý.

Chúng tôi đang đề nghị Bộ GTVT trao đổi với Hà Nội và TP.HCM để làm thí điểm hình thức quản lý, phải bàn trực tiếp với các đơn vị kinh doanh nền tảng công nghệ và địa phương đó là làm sao để quản lý cho tốt.

Hiện nay, loại hình xe ôm công nghệ được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: HTD

An toàn cho lái xe lẫn hành khách

. Vậy cụ thể việc quản lý sẽ như thế nào, đơn vị nào quản lý?

+ Đầu tiên phải coi xe ôm công nghệ là hình thức vận tải hành khách và hình thức vận tải hành khách là do ngành giao thông quản lý. Tất nhiên, quản như thế nào cần phải bàn bạc cụ thể và thí điểm, trên cơ sở các hãng công nghệ quản lý tài xế và Nhà nước quản lý các nền tảng công nghệ này.

Về quản lý, có các vấn đề cần thiết lưu ý về an toàn, về luật như người lái xe phải có bằng lái, xe phải có đầy đủ điều kiện an toàn như gương, thắng, mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Đối với dịch vụ này thì tôi đề nghị mũ phải an toàn hơn bình thường như mũ phủ 3/4 đầu, mũ toàn đầu.

Quy định cũng phải đặt ra việc cơ quan chức năng kiểm soát dữ liệu của người lái xe thông qua app của nền tảng công nghệ đó. Khi anh vi phạm về an toàn giao thông như chạy ngược chiều, quá tốc độ... thì dữ liệu đó sẽ phải chuyển cho Sở GTVT hay cơ quan công an để chế tài, xử lý. Rồi vấn đề bảo hiểm cho hành khách đi xe là trách nhiệm của hãng hay của người lái. Khách đi xe buýt, taxi... đều có bảo hiểm hẳn hoi thì đi xe ôm công nghệ cũng vậy, đó là bình đẳng.

Chưa hết, đó còn là vấn đề về thuế, hiện nay Grab là đơn vị tiên phong trong việc đóng thuế cho các bác tài xe ôm công nghệ.

. Ông có lo ngại khi đặt ra việc quản lý, các nền tảng công nghệ và cả những bác tài sẽ không hợp tác?

+ Ngược lại là khác, chúng tôi đã làm việc với Grab, Go-Viet... thì họ đều mong muốn là sẽ có các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách của mình, cho lái xe của mình. Các nền tảng này cho biết sẽ cùng phối hợp với cơ quan chức năng để quản lý. Phải thấy rằng bản chất khi đưa ra quy định là cho những người lái xe ôm, an toàn cho họ, an toàn cho khách, xã hội nhìn nhận là dịch vụ tốt, qua đó sẽ đi nhiều hơn.

Tôi cũng lưu ý không nên quá vội vàng vì dù sao loại hình này cũng được nhiều người ưa chuộng, sử dụng nên phải truyền thông điệp đến các bác tài lẫn người sử dụng. Quản lý là tốt cho họ và bảo vệ họ.

. Xin cám ơn ông.

Nguy cơ tai nạn gấp 4-6 lần

Đề xuất này đã nghiên cứu cụ thể về ảnh hưởng an toàn giao thông của xe ôm công nghệ chưa? Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm quản lý xe ôm của các nước?

Chúng tôi có nghiên cứu rất sâu về mức độ an toàn về sử dụng điện thoại đi động khi điều khiển mô tô, xe máy, ô tô và vừa hoàn thành xong. Theo nghiên cứu này, thông thường khi đi mô tô, xe máy dùng điện thoại di động thì nguy cơ tai nạn là gấp 4-6 lần so với bình thường. Về kinh nghiệm các nước, Thái Lan có quản lý xe ôm và bắt phải đăng ký. Tuy nhiên, quản lý giao thông với nền tảng công nghệ là vấn đề mới nên các nước phải học kinh nghiệm lẫn nhau, như Malaysia vừa gặp tôi để trao đổi các kinh nghiệm về quản lý.

Người lái xe ôm công nghệ vừa sử dụng điện thoại vừa điều khiển phương tiện là vi phạm luật giao thông. Hiện nay chúng ta đang cấm hành vi này vì rõ ràng rất nguy hiểm. Trước thực tế đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đã chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý loại hình này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm