Bài 3: Đô thị bị ô nhiễm như thế nào?

Đánh giá tác động môi trường là gì?

“Đánh giá tác động môi trường là quá trình phân tích, đánh giá, dự báo ảnh hưởng đến môi trường của các dự án quy hoạch, phát triển kinh tế-xã hội, của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình kinh tế, khoa học kỹ thuật, y tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và các công trình khác, đề xuất các giải pháp thích hợp về bảo vệ môi trường”.

Hoạt động phát triển kinh tế-xã hội ở đây có loại mang tính kinh tế-xã hội của quốc gia, của một địa phương lớn hoặc một ngành kinh tế văn hóa quan trọng (luật lệ, chính sách quốc gia, những chương trình quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch quốc gia dài hạn), có loại mang tính kinh tế-xã hội vi mô như đề án xây dựng công trình xây dựng cơ bản, quy hoạch phát triển, sơ đồ sử dụng một dạng hoặc nhiều dạng tài nguyên thiên nhiên tại một địa phương nhỏ. Tuy nhiên, một hoạt động có ý nghĩa vi mô đối với cấp quốc gia nhưng có thể có ý nghĩa vĩ mô đối với xí nghiệp. Hoạt động vi mô nhưng được tổ chức một cách phổ biến trên địa bàn rộng có khi lại mang ý nghĩa vĩ mô.

Bài 3: Đô thị bị ô nhiễm như thế nào? ảnh 1

Trong rác thải có chứa đựng nhiều chất thải độc hại mà từ đó có thể gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và đất. Ảnh minh họa: THỤY CHÂU

Tác động đến môi trường có thể tốt hoặc xấu, có lợi hoặc có hại nhưng việc đánh giá tác động môi trường sẽ giúp những nhà ra quyết định chủ động lựa chọn những phương án khả thi và tối ưu về kinh tế và kỹ thuật trong bất cứ một kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội nào.

Đất ở khu vực công nghiệp và đô thị bị ô nhiễm như thế nào?

Quá trình phát triển công nghiệp và đô thị cũng ảnh hưởng đến các tính chất vật lý và hóa học của đất. Những tác động về vật lý như xói mòn, nén chặt đất và phá hủy cấu trúc đất do các hoạt động xây dựng, sản xuất và khai thác mỏ. Các chất thải rắn, lỏng và khí đều có tác động đến đất. Các chất thải có thể được tích lũy trong đất trong thời gian dài gây ra nguy cơ tiềm tàng đối với môi trường.

Người ta phân chia các chất thải gây ô nhiễm đất làm bốn nhóm: chất thải xây dựng, chất thải kim loại, chất thải khí, chất thải hóa học và hữu cơ.

- Chất thải xây dựng như gạch, ngói, thủy tinh, ống nhựa, dây cáp, bê-tông... trong đất rất khó bị phân hủy.

- Chất thải kim loại, đặc biệt là các kim loại nặng như chì, kẽm, đồng, niken, cadimi... thường có nhiều ở các khu khai thác mỏ, các khu công nghiệp. Các kim loại này tích lũy trong đất và thâm nhập vào cơ thể theo chuỗi thức ăn và nước uống, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

- Các chất thải khí và phóng xạ phát ra chủ yếu từ các nhà máy nhiệt điện, các khu vực khai thác than, các khu vực nhà máy điện nguyên tử, có khả năng tích lũy cao trong các loại đất giàu khoáng sét và chất mùn.

- Các chất thải gây ô nhiễm đất ở mức độ lớn là các chất tẩy rửa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc nhuộm, màu vẽ, công nghiệp sản xuất pin, thuộc da, công nghiệp sản xuất hóa chất... Nhiều loại chất hữu cơ đến từ nước cống rãnh thành phố, nước thải công nghiệp được sử dụng làm nguồn nước tưới trong sản xuất cũng là tác nhân gây ô nhiễm đất.

Chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường qua con đường nào?

Các chất thải độc hại có thể gây ô nhiễm môi trường trực tiếp như bay hơi hóa chất trong khí quyển hoặc có thể gây ô nhiễm gián tiếp qua vận chuyển của gió hoặc bề mặt nước. Vấn đề quan trọng không phải chỉ phụ thuộc vào nơi đổ thải và tình trạng đất ở bên dưới.

Đất và nước bị ô nhiễm:

Sự có mặt của vùng chưa bão hòa ở bên dưới mặt đất của nơi đổ thải rất quan trọng. Đó là vùng cao hơn mặt nước, ở nơi này nước thấm xuống dưới đến khi gặp mặt nước chảy ngang. Nếu bên dưới chỗ rác thải là vùng chưa bão hòa thì hoạt động đất nước như trên sẽ là một quá trình lọc bởi các hoạt động hóa và hóa sinh.

Ô nhiễm nước bề mặt:

Bề mặt ngoài của nước ở gần chỗ chất thải có thể nhận những chất thải độc hại từ bề mặt chảy. Hơn nữa, dòng chảy đất - nước của các hóa chất cũng đưa ô nhiễm vào mặt nước. Trong điều kiện tiếp xúc không khí sẽ thúc đẩy quá trình phân hủy hóa, hóa sinh các hợp chất hữu cơ. Quá trình bay hơi ở mặt nước cũng dễ hơn ở đất.

Các đường ô nhiễm khác:

Các hợp chất hữu cơ có thể bay hơi trong không khí; gió có thể đưa chất thải độc hại vào môi trường; rau quả trồng gần nơi chất thải có thể hấp thụ những độc tố của chất thải.

An ninh môi trường là gì?

“An ninh môi trường là trạng thái mà một hệ thống môi trường có khả năng đảm bảo điều kiện sống an toàn cho con người trong hệ thống đó”.

Một hệ thống môi trường bị mất an ninh có thể do các nguyên nhân tự nhiên (thiên tai) hoặc do các hoạt động của con người (khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thải chất độc vào môi trường gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học,...), hoặc phối hợp tác động của cả hai nguyên nhân trên. Trạng thái an ninh của riêng phân hệ sinh thái tự nhiên được gọi là an ninh sinh thái, do đó an ninh sinh thái là một khía cạnh của an ninh môi trường.

Các công cụ kinh tế để quản lý môi trường?

Các công cụ kinh tế được sử dụng nhằm tác động tới chi phí và lợi ích trong hoạt động của tổ chức kinh tế để tạo ra các tác động tới hành vi ứng xử của nhà sản xuất có lợi cho môi trường. Các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường gồm: thuế và phí môi trường, giấy phép chất thải có thể mua bán được hay “quota ô nhiễm”, ký quỹ môi trường, trợ cấp môi trường, nhãn sinh thái.

Việc sử dụng các công cụ kinh tế trên cho thấy một số tác động tích cực như các hành vi môi trường được thuế điều chỉnh một cách tự giác, các chi phí của xã hội cho công tác bảo vệ môi trường có hiệu quả hơn, khuyến khích việc nghiên cứu triển khai kỹ thuật công nghệ có lợi cho bảo vệ môi trường, gia tăng nguồn thu nhập phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường và cho ngân sách nhà nước, duy trì tốt giá trị môi trường của quốc gia.

PHI NGUYỄN (Tổng hợp từ www.vea.gov.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm