Bệnh thủy đậu (trái rạ): Đang vào mùa cao điểm

Điều đáng sợ nhất của bệnh này là tạo thành những đợt dịch lớn, rộng, nhất là ở khối học đường” - BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết tại hội thảo “Cập nhật xu hướng phòng ngừa thủy đậu hiện nay” vừa diễn ra hôm 7-3 do Viện Pasteur TP.HCM và Tập đoàn Dược phẩm GlaxoSmithKline phối hợp tổ chức.

Bệnh lây nhiễm rất cao

Theo thống kê, bệnh thủy đậu là một bệnh có tính lây nhiễm rất cao do virus Varicella Zoster gây nên, đặc biệt rất dễ bùng phát thành dịch ở những nơi đông người như trường học, cơ quan, xí nghiệp... Theo BS Trương Hữu Khanh, có 80%-90% đối tượng chưa chủng ngừa thủy đậu có khả năng dễ mắc bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp dù đã chích ngừa nhưng vẫn có thể mắc bệnh. Trong khi đó, thủy đậu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là chết ở trẻ nhỏ.

Một lo ngại khác được BS Khanh nhắc đến là khi phát hiện được bệnh thì thường đã muộn, bệnh đã bùng phát. Sau khi phát hiện dấu hiệu những dấu chấm đỏ trên cơ thể của bệnh thủy đậu thì lúc đó mới cách ly. Thế nhưng việc cách ly này đã có thể bị chậm vì bệnh đã phát tán ra môi trường xung quanh.

Về triệu chứng ban đầu, phải thật chú ý đến nốt ban đỏ trên da và dấu hiệu sốt thì phải nghĩ ngay đó là bệnh thủy đậu... - BS Khanh cho biết.

Đừng để biến chứng do nhiễm trùng

Theo BS Khanh, thông thường các nốt ban đỏ trên da và sốt là các dấu hiệu đầu tiên và cũng là dấu hiệu rõ nét nhất để nhận diện bệnh nhân bị bệnh thủy đậu. Bệnh thường tự lành sau 4-5 ngày phát ban khi trên bề mặt của nốt rạ có mày, vảy khô. Thủy đậu sẽ không để lại thẹo trên da nếu các nốt rạ không bị bung mủ và không bị nhiễm trùng. Do đó, khi chăm sóc các bệnh nhân bị thủy đậu, việc quan trọng nhất là không để các nốt rạ bung mủ để tránh nhiễm trùng.

Hầu hết các biến chứng nặng gây ra từ bệnh trái rạ là do nhiễm trùng (chiếm khoảng 10%-15%). Trong đó, nhiễm trùng máu, viêm mô tế bào, xuất huyết ngay nốt rạ... là phổ biến nhất. Ngoài ra có thể bị viêm phổi, viêm gan... sau khi nổi nốt rạ khoảng 3-4 ngày. Đặc biệt, nặng nhất là nhóm biến chứng hệ thần kinh trung ương. Cụ thể là bị viêm não, bệnh nhân sau khi nổi nốt rạ sẽ ngủ li bì, co giật, hôn mê và chết (chiếm 5%-20%). Trong một số trường hợp khác, bệnh nhân sẽ bị viêm tủy cắt ngang dẫn tới bị liệt.

Bên cạnh đó, BS Khanh cảnh báo việc đang xuất hiện hiện tượng (“Breakthrough” - thủy đậu nhiễm lại) ở các trẻ khỏe mạnh. Đây là những trường hợp mà trẻ đã được chích ngừa nhưng nhiễm bệnh từ 42 ngày sau khi chủng ngừa vắc-xin. Với hiện tượng Breakthrough này, trẻ vẫn bị lây nhiễm tương tự như trẻ chưa được chích ngừa. Không chỉ vậy, bệnh vẫn có thể thâm nhập và gây biến chứng với cả người lớn. Theo một số nghiên cứu, các kháng thể của vắc-xin thường giảm dần hiệu quả theo thời gian, nhất là với những trẻ dưới 15 tháng tuổi.

Một trẻ bị biến chứng nặng do thủy đậu gây ra.
Một trẻ bị biến chứng nặng do thủy đậu gây ra.

Xu hướng điều trị mới

Trước sự xuất hiện của hiện tượng “Thủy đậu nhiễm lại”, Ủy ban Thực hành tiêm chủng Hoa Kỳ (ACIP), Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và các nhà khoa học đã đưa ra khuyến cáo: Nên chủng ngừa hai liều vắc-xin thủy đậu cho trẻ em 1-12 tuổi. Qua đó giúp tăng cường hiệu quả phòng ngừa căn bệnh rất dễ lây lan này.

Theo đó, với trẻ từ chín tháng tuổi đến 12 tuổi phải chích một liều để chủng ngừa thủy đậu. Với những trẻ từ 13 tuổi trở lên nên chích ngừa hai liều, trong đó liều thứ hai cách liều thứ nhất là sáu tuần (không được cách nhau dưới bốn tuần). Việc sử dụng hai liều chủng ngừa nhằm tạo khả năng miễn dịch lâu dài, dung nạp tốt và ít tác dụng phụ.

Hiện đang là mùa bắt đầu của dịch thủy đậu và kéo dài đến tháng 5-6. Vì vậy, người dân có thể liên hệ các bệnh viện sản, nhi hoặc trung tâm y tế dự phòng để được hướng dẫn chi tiết và chích ngừa.

PHI LÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm