Chống sạt lở bằng cây xanh

TP.HCM có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc với tổng chiều dài khoảng gần 1.000 km. Không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của kênh rạch, sông hồ trong sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường. Lợi ích nổi trội là giúp thoát nước mưa lũ; cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt và công nghiệp; phát triển giao thông thủy; du lịch sông nước; nước nuôi trồng thủy sản; tưới tiêu cho nông nghiệp…

Tồn đọng nhiều vướng mắc

Trong những năm qua, chúng ta đã đầu tư rất nhiều hệ thống công trình thủy lợi; hệ thống ngăn triều; phòng, chống ngập úng. Kèm theo đó là các công trình phụ trợ như cống, đập ngăn mặn, ngăn lũ, các kênh tưới tiêu… Hệ thống công trình thủy lợi đã đóng góp nhiều cho sản xuất nông nghiệp; chống úng, ngập bảo vệ môi trường sinh thái. Điển hình như hệ thống thủy lợi Hóc Môn, Bắc Bình Chánh; bê tông hóa hệ thống thủy lợi kênh Đông, Củ Chi; công trình thủy lợi Bến Mương, Láng The; kè bảo vệ bờ biển Cần Giờ cùng các công trình thủy lợi vừa và nhỏ ở nhiều địa bàn khác. Ngoài ra có nhiều công trình xây dựng như kè, tường chắn bê tông cốt thép, cừ bê tông dự ứng lực để bảo vệ chống lại sự sạt lở ven sông, kênh, rạch.

Chống sạt lở bằng cây xanh ảnh 1

Trồng cây bảo vệ bờ bao, chống sạt lở được đánh giá là hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Ảnh: NGỌC CHÂU

Tuy nhiên, các giải pháp này tốn nhiều kinh phí, phải duy tu sửa chữa thường xuyên. Mặt khác, chúng lại không đảm bảo các yêu cầu thân thiện với môi trường. Một số công trình phòng, chống lụt, bão mang tính cục bộ, chưa liên tục, còn trong giai đoạn thi công dở dang. Nhiều bờ bao thuộc các nhánh nhỏ phía trong nội đồng chưa được đầu tư đúng yêu cầu về mặt kỹ thuật, các chỉ tiêu cơ lý của đất đắp bờ bao. Điều đó dẫn đến chất lượng không đạt, làm bể bờ, tràn bờ gây ngập úng; thiệt hại đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt, tài sản của người dân. Hơn nữa, công tác quản lý, kiểm tra, tu bổ công trình, nạo vét sông, kênh rạch hằng năm của một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

Một số quận, huyện chưa quyết liệt trong việc yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân gia cố bờ bao trên phần đất thuộc dự án do họ làm chủ đầu tư. Tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ đê, xả rác, chiếm lòng sông, kênh, rạch vẫn chưa được ngăn chặn một cách hiệu quả. Hiện tượng bồi lắng, nhiều vật cản lớn trong lòng sông, kênh, rạch nhưng không được nạo vét kịp thời. Do vậy, chúng ngăn chặn đường tiêu thoát, tạo mực nước dâng cao cục bộ gây áp lực phá vỡ bờ. Mặt khác, việc giáo dục về môi trường, lợi ích của cây xanh, lòng yêu thiên nhiên cho cộng đồng dân cư, nhất là thanh thiếu niên vẫn chưa nhiều. Hầu hết chỉ mang lý thuyết, thiếu thực tế, không thực hiện chuyên sâu. Nhiều bờ bao xung yếu tuy đã được duy tu, gia cố nhưng chủ yếu bằng cừ tràm, đắp đất thủ công nên không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, giải pháp thi công chưa hợp lý. Đồng thời, qua thời gian sử dụng chúng bị xói mòn, lún; không có hệ thống cây xanh hỗ trợ bảo vệ, không đủ khả năng chống chọi khi triều cường dâng cao. Hệ quả là rất dễ xảy ra bể bờ bao hoặc tràn bờ, do vậy phòng, chống sạt sở là vấn đề cấp thiết.

Phát huy những lợi ích của cây xanh

Xuất phát từ những vướng mắc trên, Thành đoàn TP.HCM phối hợp cùng một số cơ quan khác triển khai dự án Trồng 500.000 cây phòng, chống sạt lở hệ thống bờ bao, đê bao sông, kênh rạch giai đoạn 2011-2013. Dự kiến trong năm 2012, dự án sẽ triển khai tại khu vực huyện Bình Chánh, quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh với số lượng gần 200.000 cây. Các loại cây trồng bao gồm dừa là, tràm, tràm chua, gõ nước, gáo vàng, nhạc ngựa nước... Theo đó, khi cây phát triển, bộ rễ cắm sâu vào đất tạo thành những con đập nhỏ li ti, liên kết đất sét không ngậm nước thành những tấm chắn bảo vệ bờ bao, bờ đê sông, kênh rạch. Trong tương lai, đây sẽ là nguồn cung cấp cho người dân địa phương lá lợp nhà, gỗ làm đồ mộc, trang trí, thực phẩm từ cây dừa lá. Qua đó, họ có điều kiện để cải thiện thu nhập, tạo nguồn thu cho ngân sách gia đình. Dự án này cũng góp phần giảm thiệt hại do các sự cố sạt lở, ổn định đời sống dân cư, nâng cao nhận thức cộng đồng, góp phần bảo vệ, chăm sóc và phát triển mảng xanh đô thị. Có thể nói, chương trình là phương tiện giáo dục cho thanh thiếu niên hiểu biết về môi trường, lòng yêu thiên nhiên và bảo vệ giá trị thực của các loài cây.

NGỌC CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm