Công bố khuyến nghị về nhu cầu dinh dưỡng trẻ Việt Nam

Cẩm nang quý cho ngành nhi Việt Nam

Khuyến nghị nêu rất chi tiết về năng lượng, các chất dinh dưỡng chính (bao gồm acid béo, choline, chất khoáng, chất xơ...) và các vi chất quan trọng (chất khoáng, vitamin...) được đưa ra theo độ tuổi của trẻ em từ lúc mới sinh đến 18 tuổi. Khuyến nghị cũng đề cập đến sự khác nhau về nhu cầu của trẻ sinh thiếu tháng, sinh đủ tháng, bé trai và bé gái.

GS.TS Nguyễn Công Khanh, Phó chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam.Cũng tại buổi lễ, Hội Nhi khoa Việt Nam đã công bố về “Chuẩn tăng trưởng do WHO khuyến cáo vào năm 2006”. Chuẩn tăng trưởng này được dựa trên nghiên cứu (ở nhiều nước thuộc các châu lục và các nhóm dân tộc khác nhau) về sự tăng trưởng của trẻ được nuôi bằng sữa mẹ, được ăn bổ sung đầy đủ, sống trong môi trường không làm hạn chế phát triển tiềm năng di truyền và được chăm sóc tốt.

“Ngày nay, có không ít bậc cha mẹ cảm thấy lúng túng trước rất nhiều thông tin và lựa chọn khác nhau về các sản phẩm dinh dưỡng. Vì vậy, Hội Nhi khoa Việt Nam mong muốn mang đến một tiêu chuẩn chung nhằm giúp các y, bác sĩ, các chuyên viên dinh dưỡng có thể tư vấn cho các bậc cha mẹ, đồng thời để người tiêu dùng có thể có những quyết định sáng suốt...” - giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Công Khanh, Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, cho biết.

Sữa mẹ, nguồn dinh dưỡng vô giá

Theo WHO và Hội Nhi khoa Việt Nam, sữa mẹ là thức ăn lý tưởng nhất cho trẻ trong năm đầu tiên và khuyến cáo: trẻ phải được bú mẹ sau khi sinh; bú mẹ trong sáu tháng đầu tiên; cho ăn bổ sung (ăn dặm) từ tháng thứ sáu và khuyến khích các bà mẹ cho con bú kéo dài đến hai năm.

Theo điều tra mới đây của Hội Nhi khoa Việt Nam, hiện chỉ có 75% trẻ được các bà mẹ cho bú sau khi sinh, gần 20% trẻ chỉ được bú trong bốn tháng đầu tiên và chỉ có hơn 12% trẻ được bú mẹ trong sáu tháng đầu. Chính vì thời gian trẻ được bú mẹ quá ngắn nên khả năng trẻ bị thiếu dinh dưỡng và thiếu cân trong giai đoạn này cũng tăng lên. Một công bố khá thú vị nữa là: nhiều bệnh lý của người lớn đang vướng phải lại bắt nguồn từ việc thiếu dinh dưỡng của những năm tháng đầu đời trước đây (!?).

Khuyến nghị còn cho biết vitamin D có rất ít trong sữa mẹ, khoảng 25 đơn vị quốc tế (UI)/lít. Vì vậy, trẻ sinh vào mùa đông và bú mẹ hoàn toàn cần được bổ sung vitamin D3 200 UI/ngày. Vitamin K trong sữa mẹ cũng rất ít, khoảng 2-15 µg/lít. Để đề phòng xuất huyết ở trẻ sơ sinh, khuyến nghị bổ sung vitamin K1 (tiêm hoặc uống) cho tất cả trẻ sơ sinh ngay sau khi sinh, 1 mg cho trẻ đủ tháng; 0,5 mg cho trẻ thiếu tháng, có thể nhắc lại sau 1 - 2 tuần lễ.

Những khuyến nghị về nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam được dựa trên các cơ sở:

- Quyết định của Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001-2010 và kế hoạch triển khai chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2006-2010.

- Quyết định số 1564/BYT/QĐ ngày 19-9-1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt bảng nhu cầu dinh dưỡng cho người Việt Nam của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 1996 và quyết định phê duyệt 2006.

- Khuyến nghị về nhu cầu dinh dưỡng của FAO/WHO/UNU năm 1985 và 2004.

- Khuyến nghị về nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em của Hội Nhi khoa Hoa Kỳ và một số hội, tổ chức quốc tế khác...

PHI LÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm