Cùng hành động vì bầu không khí trong lành

Đã từ lâu những chiếc khẩu trang đã dần trở nên rất quen thuộc với người dân Việt Nam nói chung. Bất kể ngày hay đêm, dường như nó đã trở thành vật bất ly thân mỗi khi chúng ta ra đường.

Ô nhiễm không khí gia tăng

Thu Minh (Gò Vấp) chia sẻ: “Mỗi khi em ra đường là phải có khẩu trang mang theo, hôm nào chẳng may để quên ở nhà thì phải ghé vào mấy tiệm dọc đường để mua, chỉ vài ngàn đồng một cái thôi, vừa che nắng vừa chắn được bụi nữa”. Không chỉ người lớn, các bé thiếu nhi cũng được cha mẹ tập dần cho thói quen này. Chị TC (Phú Nhuận) cho biết: “Bé con tôi mới hai tuổi thôi nhưng bé cũng quen với việc mang khẩu trang và kiếng khi ra đường rồi, hôm nào không có thì bé lại hỏi để nhắc tôi đeo cho. Không biết việc đeo cho bé như vậy có ảnh hưởng gì không nhưng ra đường mà thấy con không có đồ che chắn là phụ huynh chúng tôi lại thấy lo lắng”.

Được hít thở bầu không khí trong lành có lẽ là ước mơ chung của mọi người. Thế nhưng nhìn lại thực tế, bụi xuất hiện ở khắp nơi và chúng ta đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí (ÔNKK).

Chúng ta cần một môi trường sống trong đô thị trong lành, sạch sẽ. Trong ảnh: Xe rác nằm giữa đường gây mùi khó chịu cho mọi người. Ảnh: MINH PHONG

GS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, cho biết ÔNKK chủ yếu là bụi và đang có chiều hướng gia tăng. Điều này thể hiện rõ ở các tuyến đường giao thông, giao lộ, khu vực đang trong quá trình xây dựng cũng như các nhà máy lớn, KCN… Một số khu vực có biểu hiện ô nhiễm CO, NO2, tiếng ồn cục bộ; khí NO có xu hướng tăng cao vào các giờ cao điểm sáng và chiều. Với các khí độc hại khác như toluen, xylen, nồng độ các khí thải cũng có xu hướng tăng ở ven các trục giao thông. Tại các khu dân cư chịu ảnh hưởng của giao thông thì mức độ ô nhiễm vượt ngưỡng nhiều lần quy chuẩn.

Từ lâu, chúng ta đã có những tiêu chuẩn nhằm kiểm soát tình hình ÔNKK. Tuy nhiên, việc cải thiện tình trạng này không chỉ đặt ở các cơ quan chức năng mà có cả vai trò rất lớn ở chính chúng ta. Bằng cách này hay cách khác, từng hành động nhỏ sẽ góp phần để không khí trở nên bớt ô nhiễm hơn.

Đừng quên 3T

Hoạt động sản xuất công nghiệp là một trong những nguyên nhân chính khiến không khí bị ô nhiễm. Tuy nhiên, các phương tiện giao thông là thủ phạm lớn đứng ở vị trí tiếp theo vì lượng nhiên liệu và khí thải sản sinh từ việc đốt cháy. Do vậy, chúng ta hãy vận dụng sự sáng tạo của mình để ít phụ thuộc hơn. Ví dụ thay vì một tuần bạn phải lái xe đi đến rất nhiều nơi như cửa hàng tạp hóa, đi mua sắm, đi thăm bạn bè… thì có thể suy nghĩ để kết hợp chúng với nhau, vào ngày cuối tuần chẳng hạn. Đi chung xe với người thân, sử dụng xe buýt, xe đạp, đi bộ cũng là cách tuyệt vời chúng ta có thể làm. Ngoài việc góp phần giảm ô nhiễm, điều này giúp bạn có thêm thời gian để nghỉ ngơi, giải trí, nghiên cứu tài liệu hoặc đơn giản là ngắm phố xá. Đặc biệt là an toàn hơn so với việc bạn tự lái xe, giảm tình trạng căng thẳng khi bạn phải đối phó với giao thông vào giờ cao điểm. Một giải pháp hữu ích cho bạn, nhất là các bà nội trợ là chú ý đến sử dụng sản phẩm được trồng, bán tại địa phương; hãy mua sắm ở cửa hàng gần nhất có thể. Bởi việc này sẽ giúp hạn chế các phương tiện chuyên chở từ nơi khác đến.

Đồng thời, bạn nên nghiên cứu tiêu dùng sản phẩm có ít bao bì, nếu không có thì chú ý đến các sản phẩm đựng trong bao bì có thể tái chế. Bạn đừng quên mang theo túi vải khi đi mua sắm thay vì dùng các loại túi giấy, túi nylon khó phân hủy. Một mẹo nhỏ khác là bạn đừng quên thuật ngữ 3T: Tiết giảm, Tái chế, Tái sử dụng, hãy chọn mặt hàng đựng sẵn trong lọ thủy tinh để bạn có thể tái sử dụng nó cho mục đích khác.

Chúng ta đều biết rằng việc thay đổi thói quen mua sắm ban đầu chắc sẽ không dễ dàng nhưng dần dần nó sẽ trở thành thói quen. Khi bạn làm tốt, hãy rủ thêm những người khác cùng làm, như thế chúng ta sẽ có một bầu không khí trong lành hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm