Doanh nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo một khảo sát do VCCI và Quỹ châu Á tiến hành năm 2011 cho thấy khi bão tấn công, 85% doanh nghiệp (DN) chịu mức rủi ro cao; 45% bị lũ lụt, 12% bị lốc xoáy; có 60% DN bị thiệt hại trong đó 5% DN chịu thiệt hại rất nặng nề, 30% ở mức nặng nề. Những thiệt hại chính chủ yếu về nhà xưởng, thiết bị và hàng hóa.

Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ trận lũ lụt khủng hoảng ở Thái Lan tháng 10-2011. Gần phân nửa các tỉnh trên toàn nước này bị ảnh hưởng; hơn 500 người thiệt mạng, hàng triệu người phải sơ tán; tác động nghiêm trọng và rộng lớn tới nền kinh tế. Trong đó ít nhất 14.000 công ty phải đóng cửa và bảy khu công nghiệp bị ngập nước, đẩy khoảng nửa triệu người lâm vào cảnh thất nghiệp. Một số DN phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất ở quốc gia khác vì nguồn cung cấp các bộ phận sản xuất tại Thái Lan bị thiếu hụt. Ước tính thiệt hại do trận lũ này gây ra có thể lên tới 6,6 tỉ USD. Theo các nhà phân tích, nguyên nhân chính là do khai thác nước ngầm, xây dựng tràn lan, sụt lún, mưa to kéo dài ở thượng nguồn và nước biển dâng.

Nhiều DN thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến nhân viên, cộng đồng ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Ảnh: NGỌC CHÂU

Nhìn lại TP.HCM, số liệu chỉ ra rằng hằng năm, TP sụt lún khoảng 2-3 cm, tình trạng khai thác nước ngầm, xây dựng nhà cao tầng, phát triển đô thị không được kiểm soát tốt. Số liệu từ Sở TN&MT TP.HCM cho thấy ngày 20-10-2013, lúc 17 giờ 30, đỉnh triều cường tại trạm Phú An (trên sông Sài Gòn) cao kỷ lục với mức 1,64 m. Đây là đỉnh triều cao nhất từ đầu năm 2013 đến nay, cũng là mức cao nhất trong vòng 50 năm qua.

Tuy nhiên, trước thực trạng hiện nay, nhiều DN lại thiếu sự chuẩn bị cần thiết, hiệu quả đề phòng và giảm thiểu tác động của thiên tai. Các vấn đề phổ biến như không quan tâm hoặc không nhận thức được lợi ích của việc phòng, chống thiên tai; chưa có kế hoạch phòng, chống và ứng phó; không đủ năng lực và nguồn lực để thực hiện; chưa có hoạt động duy trì, dọn dẹp đường sá; chưa có kế hoạch hướng dẫn sử dụng đường vận chuyển dự phòng hay kế hoạch bảo vệ thiết bị, dữ liệu cần thiết... Một số DN chưa hình thành việc phân công nhiệm vụ khi khẩn cấp và chưa có kế hoạch phục hồi sau thiên tai; chưa mua bảo hiểm rủi ro. Đặc biệt thiếu những bài học phù hợp với tình huống tại Việt Nam. Hầu hết kế hoạch thường vẫn chung chung, thiếu cụ thể, thậm chí chưa bao giờ được kiểm tra để áp dụng phù hợp với thực tế.

Chính những lơ là và chủ quan trên, đặt vấn đề khi xảy ra tình huống tương tự của Thái Lan, các DN Việt Nam nói chung và DN ở TP.HCM nói riêng sẽ phải đối diện với cuộc khủng hoảng rất lớn và không thể xoay trở kịp.

Nhìn thấy rõ nguy cơ tiềm tàng trên, Sở TN&MT TP.HCM và Văn phòng Biến đổi khí hậu vừa chính thức thành lập Câu lạc bộ DN thích ứng Biến đổi khí hậu TP.HCM. Mục đích giúp DN chia sẻ tri thức, kỹ năng và các giải pháp; đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh doanh; hỗ trợ lẫn nhau; đại diện quan hệ với cơ quan nhà nước trong việc đề đạt chính sách, chế độ. Tham gia CLB, các DN sẽ sinh hoạt định kỳ ba tháng/lần với các buổi thuyết trình, diễn đàn; tổ chức tham quan giới thiệu các điển hình DN tiên tiến… Đại diện lãnh đạo Sở cho biết đây là diễn đàn rất lớn giúp các DN chia sẻ kinh nghiệm, bài học thành công, thất bại, tạo ra hướng đi riêng với mong muốn giúp DN cùng nhau vượt qua thách thức.

NGỌC CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm