Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB mới:

EuroCham và VBA lo ngại buôn lậu rượu bia sẽ gia tăng

Ngày 23-10, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) và Hiệp hội Bia-rượu-nước giải khát Việt Nam (VBA) chính thức đưa ra ý kiến phản hồi về bản dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế mà Bộ Tài chính trình Quốc hội thảo luận vào ngày 27-10.

Gánh nặng hành chính và tài chính 

Thứ nhất, theo Điều 16 của dự thảo này, đối với hàng hóa nhập khẩu, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) bao gồm giá tính thuế nhập khẩu (là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên) cộng với thuế nhập khẩu. Với đề xuất mới này, nhà nhập khẩu phải nộp hai lần thuế TTĐB tại hai khâu: khâu nhập khẩu (theo quy định hiện hành) và khâu bán ra (theo dự thảo). Bên cạnh đó theo dự thảo nghị định về thi hành Luật thuế TTĐB, quy định đóng thuế TTĐB gồm hai khâu cũng làm cho doanh nghiệp (DN) rượu gặp khó khăn về dòng tiền do phải đóng thuế TTĐB tại khâu nhập khẩu, sau đó một thời gian mới được khấu trừ thuế TTĐB ở khâu bán ra cho nhà phân phối. Điều này sẽ tạo gánh nặng hành chính và tài chính cho DN.

 Dự thảo luật thuế mới nếu được thông qua dự báo sẽ làm gia tăng buôn lậu rượu, bia và kinh doanh trốn thuế. Trong ành: Cơ quan chức năng đang kiểm đếm số lượng rượu trong 1 vụ nhập lậu. Ảnh: ITN

Thứ hai, đề xuất về giá tính thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở nhập khẩu bán ra. Các DN là hội viên của EuroCham đều là nhà nhập khẩu và theo quy định tại Nghị định 94/2012/ND-CP của Chính phủ về sản xuất và kinh doanh rượu thì nhà nhập khẩu có thể bán cho thương nhân phân phối, thương nhân bán buôn và được trực tiếp tổ chức bán lẻ tại cửa hàng trực thuộc DN. Mức giá có thể thay đổi tùy giá mua vào từng thời điểm, giá bán ra cho các đối tượng khác nhau (bán cho thương nhân phân phối, bán buôn hay bán lẻ trực tiếp tại cửa hàng), tùy theo số lượng, điều kiện mua hàng... Như vậy sẽ có rất nhiều mức giá để tính thuế TTĐB theo đề xuất mới này. Nếu như theo dự thảo thông tư hướng dẫn tại Điều 5.1.b là “... không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra” thì sẽ không thể thực hiện được trên thực tế. Hơn nữa, nhà nhập khẩu chỉ bán hàng cho cơ sở kinh doanh thương mại chứ không thể quyết định giá bán và càng không thể điều tra giá bán của họ để có thể xác định được “giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra” để làm cơ sở tính thuế.

Lo ngại buôn lậu rượu gia tăng

Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy mức thuế quá cao và bất hợp lý đánh vào các sản phẩm đồ uống có cồn sẽ khuyến khích việc tiêu thụ các sản phẩm trốn thuế và rủi ro của sự gia tăng sản xuất các sản phẩm trốn thuế, bao gồm đồ uống có cồn không mang tính thương mại, hàng giả, hàng lậu và hàng nhái. Đồ uống có cồn nhập khẩu từ châu Âu vào Việt Nam chỉ chiếm một số lượng nhỏ trong tổng lượng rượu tiêu thụ tại Việt Nam và phần lớn là sản phẩm có giá thành cao gắn liền với chỉ dẫn địa lý và không cạnh tranh trực tiếp với hàng trong nước.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-rượu-nước giải khát Việt Nam, phân tích: “Nếu dự thảo được ban hành sẽ khiến mức thuế TTĐB đối với bia, rượu nhập khẩu tăng cao. Tuy nhiên, việc này không đảm bảo được tính ổn định trong việc tăng trưởng nguồn thu ngân sách nhà nước. Tôi nghĩ Bộ Tài chính nên giữ nguyên mức giá tính thuế TTĐB đối với các nhà nhập khẩu bia, rượu là giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu như quy định hiện hành”.

Ông Shivam Misra, Chủ tịch Tiểu ban Rượu vang-rượu mạnh thuộc Eurocham, nhấn mạnh: “Việc tăng thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu như một biện pháp để bù đắp lại việc giảm thuế trong hiệp định thương mại tự do sẽ ảnh hưởng các lợi ích đạt được thông qua các hiệp định thương mại”. Ông Misra cũng đề nghị Bộ Tài chính nên giữ nguyên mức giá tính thuế TTĐB đối với các nhà nhập khẩu bia, rượu là giá tính thuế nhập khẩu cộng thuế nhập khẩu như quy định hiện nay.

 Trước đó vào ngày 24 và 27-8, VBA đã gửi hai công văn đến Bộ Tài chính kiến nghị về những điều bất cập trong dự thảo này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm