Ứng phó với biến đổi khí hậu - Bài 2

Hợp tác để phát triển thành phố ít carbon

Tại hội thảo quốc tế Chương trình xây dựng TP Carbon thấp TP.HCM - TP Osaka, phía TP.HCM và Osaka đã lần lượt trình bày kế hoạch với mục tiêu, dự án hành động cụ thể theo từng giai đoạn khác nhau. Đồng thời đề xuất yêu cầu để hai bên cùng xem xét, thực hiện, hướng tới một TP xanh, sạch, đẹp.

Giảm phát thải khí nhà kính

Trong khuôn khổ Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại TP.HCM giai đoạn 2013-2015, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết TP đã, đang thực hiện một số dự án môi trường như tuyến BRT số 1 trên đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ; trồng mới, chuyển hóa rừng phòng hộ, rừng sản xuất trong công viên lịch sử văn hóa dân tộc TP.HCM; trồng 500.000 cây xanh ven sông, kênh, rạch; trồng rừng chắn sóng chống sạt lở tại huyện Cần Giờ… Đây là những dự án tạo tác động to lớn trong việc cải thiện môi trường, mang lại cuộc sống trong lành cho người dân. Song song đó, ông Kiệt cũng đề xuất thực hiện các chương trình, dự án hợp tác với TP Osaka. Chẳng hạn như dự án Biogas chợ Bình Điền; xử lý đốt chất thải rắn tái sinh năng lượng; xử lý bùn tái sinh năng lượng, sản xuất compost; kêu gọi đầu tư xây dựng 12 nhà máy với tổng lượng nước cần xử lý gần 3 triệu m3/ngày; nghiên cứu quản lý tổng hợp chất thải rắn; thu hồi sử dụng nước mưa…

Hoạt động thu gom bóng đèn cũ tại sự kiện do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức. Ảnh:
NGỌC CHÂU

Báo cáo về Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH cho TP.HCM giai đoạn 2016-2020, ThS Hà Minh Châu, Văn phòng BĐKH TP.HCM, chia sẻ dựa trên chiến lược tăng trưởng xanh, kế hoạch đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính như sau: so với kịch bản phát thải khí nhà kính thông thường, năm 2020, giảm 10%-20%; năm 2030, giảm 20%-30%, tối thiểu giảm 1,5%-2% mỗi năm và đến năm 2050 thì vẫn giữ mức giảm này.

Quy hoạch đô thị đồng bộ

Phần chi tiết bản kế hoạch cũng đưa ra mục tiêu, giải pháp đề xuất theo từng lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn như thực hiện chương trình tiết kiệm điện, giảm tỉ lệ tổn thất điện năng; thay đèn LED cho hệ thống chiếu sáng hẻm, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo; khuyến khích sử dụng xăng E5, xe buýt CNG, vận hành metro; sản xuất phân compost; lên men kỵ khí chất thải thực phẩm… Ngoài ra còn nhiều giải pháp liên quan đến vấn đề cấp nước, nông nghiệp, y tế, quy hoạch xây dựng… ThS Châu cho biết mặc dù còn gặp nhiều khó khăn như kế hoạch cơ bản hoàn thành phần dự thảo, dự kiến hoàn thiện vào tháng 9-2015 để trình UBND TP.HCM phê duyệt.

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo TP Osaka nêu ra quan điểm liên quan đến vấn đề BĐKH. Theo đó, dân số phát triển kéo theo vấn đề về nước thải, ô nhiễm… làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Do vậy TP.HCM cần quy hoạch đô thị đồng bộ trong các lĩnh vực nhà ở, phát triển công nghiệp… nhất là phải làm tốt ở lĩnh vực năng lượng. Bởi vì đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Nếu làm tốt điều này, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được TP phát triển vững bền đi kèm với hình thành xã hội phát thải ít carbon. Trên tinh thần hợp tác, phía Osaka sẵn sàng chia sẻ bí quyết để hỗ trợ TP.HCM hoàn thành kế hoạch, mục tiêu này. Trong đó có ba dự án quan trọng được đề cập. Thứ nhất là xây dựng tuyến phố ngầm, tạo an toàn cho người đi bộ. Thứ hai là nâng cấp bệnh viện thân thiện môi trường với việc ứng dụng điện mặt trời, đèn LED, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực y tế; xây dựng cơ chế y tế ba cấp nhằm giảm tải lượng bệnh nhân tập trung vào tuyến trung ương. Thứ ba là nâng cấp cơ sở thiết bị sử dụng nước mưa và phát điện từ năng lượng mặt trời tại trường học. Được biết năm 2014, TP.HCM đề xuất thực hiện thí điểm dự án tái sử dụng nước mưa, tận dụng năng lượng mặt trời tại Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4). Qua đó, chương trình giúp các em học sinh, người dân được tận mắt chứng kiến, trải nghiệm công nghệ mới, từ đó hình thành nếp sống, ý thức cho chính bản thân mình. Qua dự án này, phía Osaka mong muốn rằng họ không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ lắp đặt thiết bị mà còn đi sâu vào vấn đề bảo dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, hướng dẫn cho các em học sinh ý thức về bảo vệ môi trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm