Làm sạch nguồn nước, bảo vệ sức khỏe

Nước cần cho cơ thể để duy trì sự sống, tất cả hoạt động của chúng ta mỗi ngày đều gắn liền với nước. Do vậy, tiếp xúc với nguồn nước không hợp vệ sinh sẽ tạo cơ hội cho vi trùng, độc chất xâm nhập, gây bệnh cho cơ thể.

Môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển

Theo tính toán, khối lượng nước tự do bao phủ trên Trái đất khoảng 1,4 tỉ km3, trong đó khoảng 0,7% tổng lượng nước (khoảng 215.000 km3) có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn sự sống trên hành tinh. Tuy nhiên, chúng ta đang dần dần làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thông qua khai thác và làm mước bị ô nhiễm. Điều này chẳng khác nào chúng ta đang tự hủy hoại sự sống của mình.

Tại hội thảo Sức khỏe phụ nữ, trẻ em và vấn đề ô nhiễm môi trường kênh rạch do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức, ThS Hoàng Thị Ngọc Ngân, nguyên Trưởng khoa Sức khỏe Cộng đồng, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, cho biết nước được coi là ô nhiễm nếu các thành phần trong nước bị thay đổi, hư hỏng hoặc xảy ra các điều kiện làm cho nước không thể thích nghi trong bất cứ dịch vụ nào. Hầu hết nguồn gốc ô nhiễm nước do sự thải bỏ không kiểm soát của rác sinh hoạt, rác công nghiệp; nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình; nước thải công nghiệp như nhà máy dệt nhuộm, hóa chất, các trại chăn nuôi gia súc; nước thải từ nhà máy sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ… Ngoài ra còn có nguyên do từ sự gia tăng dân số khi những người nhập cư từ các tỉnh tập trung về TP.HCM khá nhiều. Điều này khiến lượng nước tiêu thụ tăng nên lượng nước thải gia dụng cũng tăng. Trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa theo kịp nên nước không kịp thoát trong mùa mưa. Triều cường là mối nguy cơ lan truyền mầm bệnh do nước cống hòa cùng nước mưa tràn ngập trên đường đi, tràn vào nhà dân. Chúng ta đều biết trong nước cống là hỗn hợp từ nhiều nguồn nước khác nhau như nhà bếp, nhà tắm, toilet, giặt quần áo, nước thải từ các xưởng kỹ nghệ, nước thải bệnh viện… Một phân khối nước cống có từ 2 đến 10 triệu vi trùng.

Làm sạch nguồn nước, bảo vệ sức khỏe ảnh 1

Lực lượng tình nguyện viên tham gia chương trình thu gom rác, làm sạch bãi biển. Ảnh: 350.org

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người

Điều đáng nói là những nhóm bệnh phát sinh cho cộng đồng từ việc tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm rất khó lường trước. Chúng ta có thể thống kê một số nhóm các bệnh do vi sinh vật gây ra bao gồm các bệnh về đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan A, bại liệt, giun sán, bệnh ngoài da, phụ khoa, bệnh về mắt… Nhóm các bệnh gây ra do khoáng chất vượt quy định như các bệnh về da, hệ thần kinh, chất thải hóa học nồng độ cao có thể gây ngộ độc… Tuy nhiên, vấn đề là các bệnh do hóa chất thường không xuất hiện tức thời mà độc tính của chúng tích lũy lâu dần gây nên các bệnh mạn tính. Mặt khác, rác thải vứt xuống kênh như túi nylon, các chất liệu làm từ nhựa… rất khó tiêu hủy hết. Điều này góp phần tạo môi trường lý tưởng cho các loại côn trùng gây bệnh phát triển và truyền mầm bệnh cho con người. Giữa năm 2010, xóm ghe trên dòng kênh Tẻ ở phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM phát ổ dịch tả. Kết quả làm hơn 20 người sống trên kênh mắc bệnh. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân là do một số virus, vi khuẩn gây dịch tả phát tán trên kênh, rạch gây ra. Ngoài việc làm tắc nghẽn dòng chảy, những dòng kênh chết đang là nơi trú ẩn của muỗi khiến cho nhiều dịch bệnh như đau mắt, viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết bùng phát.

Đặc biệt, khi bị nhiễm phân người hay súc vật, nước có nhiều cơ hội chuyên chở theo chất hữu cơ và một số vi trùng gây bệnh truyền nhiễm. Chúng sẽ gây nhiều bệnh thường gặp như thương hàn, kiết lỵ, bệnh do vi trùng ruột E. Coli, tả, bệnh xoắn trùng hay xoắn khuẩn, bệnh đường ruột do siêu vi, giun sán. Khảo cứu dịch tễ học cho kết quả các vi sinh vật gây bệnh cho người cũng thường gặp trong hệ thống ruột của các loài động vật máu nóng, kể cả thú nuôi trong nhà (trâu, bò, gà, vịt…). Do vậy, để bảo vệ chính mình, mọi người cần chú ý thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh môi trường xung quanh khu vực sinh sống. Chẳng hạn như không vứt rác bừa bãi vì chúng sẽ bị cuốn xuống kênh, rạch khi gặp mưa hoặc triều cường. Điều này càng làm tắc nghẽn dòng chảy, nước không lưu thông được gây tù đọng phát sinh ô nhiễm. Không vứt rác hoặc đi tiêu trên sông, rạch, mỗi hộ phải có thùng rác hợp vệ sinh, có đăng ký đổ rác. Đồng thời, rác phải được thải bỏ mỗi ngày, không nên lưu rác trong nhà. Các gia đình nên chú trọng thiết kế, xây dựng đường dẫn chất thải đúng kỹ thuật, hợp vệ sinh để diệt các mầm bệnh trước khi đưa ra môi trường bên ngoài. Hằng tuần, hằng tháng, chúng ta có thể tổ chức các buổi tổng vệ sinh, phát quang cỏ dại, diệt muỗi, diệt lăng quăng, dọn dẹp sạch sẽ những nơi chứa rác tự phát...

NGỌC CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm