Mối nguy hại môi trường đến từ chất thải điện tử

Chúng ta không thể phủ nhận rằng các thiết bị điện, điện tử đã đóng góp rất nhiều cho cuộc sống con người. Nhu cầu luôn luôn thay đổi nên sự cải tiến các thiết bị cũng dựa vào đó mà phát triển theo. Vì vậy, chất thải điện tử (CTĐT) cũng tăng dần lên, trở thành nỗi lo chung của xã hội.

Ảnh: ST

Ảnh hưởng đến sức khỏe

CTĐT là chất thải của tất cả các loại thiết bị điện tử khác nhau, từ máy tính, điện thoại di động đến các thiết bị gia đình như lò vi sóng, lò nướng, bản ủi, bếp điện, tivi, radio... Với việc sử dụng thiết bị điện, điện tử ngày càng tăng, số lượng rác điện tử xuất hiện nhiều hơn mỗi ngày.

Ở một số nước đang phát triển, nguồn thu nhập chủ yếu của nhiều hộ gia đình phụ thuộc vào việc tái chế các nguyên tố có giá trị chứa trong CTĐT như đồng, vàng. Thế nhưng hoạt động manh mún, kỹ thuật tái chế quá thủ công, không đảm bảo quy trình theo quy định an toàn đã tác động đến cộng đồng xung quanh. Trong đó có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe từ việc tiếp xúc trực tiếp với các chất gây hại như chì, cadmium, crom, chất brominated flame retardants (BFR: chất được phủ ngoài các linh kiện máy tính nhằm tăng khả năng chịu nhiệt và chống cháy) hoặc biphenyl polyclorin (PCBs: thường được sử dụng trong các thiết bị điện, chất phủ bề mặt, mực, keo dán, chất làm chậm bốc cháy, sơn)...

Những ảnh hưởng phổ biến nhất là ô nhiễm không khí, nước ngầm, đất. Khi các thiết bị điện tử chứa kim loại nặng như chì, bari, thủy ngân, lithium (được tìm thấy trong điện thoại di động và pin máy tính) được xử lý không đúng cách, chúng sẽ thấm qua đất để đến các dòng nước ngầm. Cuối cùng là hòa vào dòng suối hoặc ao nước nhỏ. Ở một số khu vực, người dân vẫn phải sống phụ thuộc vào những vùng nước, sông suối, ao hồ. Thế là họ vô tình tiếp xúc phải những dòng nước bị nhiễm các hóa chất độc hại. Mặt khác, chúng còn thâm nhập thông qua con đường không khí, ăn uống. Khi không phân hủy sinh học, hóa chất tồn tại, bám vào các loại cây ăn quả, thực phẩm. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật như ung thư, vô sinh, ảnh hưởng hệ thần kinh... thậm chí là tử vong. Do đó thải bỏ chất thải không đúng cách không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà gây nguy hiểm cho con người. Trong đó trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương do phơi nhiễm CTĐT.

 Hãy thải bỏ đúng cách

Trong vài năm gần đây, nhiều tổ chức quốc tế kêu gọi cộng đồng cần hành động để làm nổi bật sự cần thiết của can thiệp chiến lược trong lĩnh vực CTĐT. Trong đó nêu cao vai trò của chính phủ các nước trong việc quản lý quá trình tái chế; phát triển, nhân rộng công nghệ thu gom, tái chế CTĐT an toàn, đảm bảo sức khỏe con người và môi sinh.

Cũng như các địa phương khác, TP.HCM đang phát triển nhanh chóng, thu nhập người dân tăng cao. Và việc sở hữu những thiết bị điện tử trong gia đình không còn xa lạ. Trong dự thảo công tác tuyên truyền năm 2017-2020 vừa được Sở TN&MT TP.HCM ban hành mới đây, chỉ tiêu về 3T (tiết giảm, tái chế, tái sử dụng) và phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện. Người dân cần ý thức nhiều hơn trong việc thải bỏ cũng như tác động tiêu cực của rác thải đến môi trường. Là công dân gương mẫu, bạn hãy nhớ thường xuyên cập nhật với chính quyền địa phương về quy định hướng dẫn việc thải bỏ những chất thải này; bám sát thông tin ở khu phố về những điểm thu gom CTĐT để thực hiện đúng cách. Một số thiết bị điện tử đã cũ nhưng vẫn còn hoạt động tốt, bạn hãy đem đến với những người có nhu cầu. Cách này có thể góp phần giảm lượng chất thải phát sinh, giảm ô nhiễm do CTĐT gây ra.

Với tất cả những điều nói trên, tất cả chúng ta đều có thể là những công dân có trách nhiệm bằng việc chú ý tới những nguy hiểm do CTĐT gây ra cho môi trường. Qua đó, càng có ý thức và thực hành tốt việc giảm ô nhiễm, bạn càng góp phần làm cho nơi mình sống ngày trở nên đẹp hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm