Ngày hội Tái chế chất thải lần 7 - 2014: Xếp hàng đổi rác… lấy quà

Năm 2014, ngày hội Tái chế chất thải đánh dấu cột mốc lần thứ bảy tổ chức. Với chủ đề SV 3T, chương trình năm nay tập trung vào các hoạt động dành cho sinh viên ĐH-CĐ trên địa bàn thành phố.

Ngày cuối tuần vui nhộn

Ngày hội mở màn bằng những trận cười sảng khoái qua các trò chơi cực kỳ hấp dẫn. Sự duyên dáng của người dẫn trò đã kết nối người tham gia với nhau càng làm cho sân khấu sôi động hơn bao giờ hết. Phát biểu khai mạc chương trình, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, đơn vị tổ chức, cho biết từ lâu khái niệm 3R (Reduce, Reuse, Recycle) đã phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam 3R được chuyển thành 3T với ý nghĩa Tiết giảm, Tái sử dụng, Tái chế chất thải. Đến nay, trải qua nhiều hoạt động tuyên truyền, khái niệm này trở nên gần gũi, thân thiện với người dân.

 

Mặc dù món quà chỉ là những chậu cây có giá trị nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa lớn trong bảo vệ môi trường. Ảnh: NGỌC CHÂU

Tại TP.HCM, lực lượng sinh viên đang theo học tại các trường rất đông đảo. Do vậy, chính các bạn đóng vai trò nòng cốt trong việc tham gia các hoạt động 3T và bảo vệ môi trường. Ông Kiệt chia sẻ thêm trước ngày hội chính, Sở TN&MT TP.HCM phối hợp cùng sở, ban, ngành, cơ quan khác tổ chức nhiều cuộc thi rất thú vị như SV 3T, Nét đẹp 3T… Qua đó, ngày hội là tiền đề thúc đẩy các chương trình, hoạt động về bảo vệ môi trường nói chung của thành phố. Đặc biệt, ông nhấn mạnh sự hỗ trợ nhiệt thành của các doanh nghiệp trong suốt bảy lần tổ chức. Bởi vì sự đồng hành của doanh nghiệp với Sở đã góp phần tạo nên thành công chung của ngày hội.

Nâng cao ý thức cộng đồng 3T

Thời tiết TP.HCM những ngày này trở nên rất oi bức, tuy thế dòng người đến với ngày hội không vì vậy mà ít đi. Người lớn, trẻ nhỏ, nhất là các bạn sinh viên, các em học sinh vẫn tề tựu đông đảo càng làm cho ngày hội thêm náo nhiệt. Chỉ bằng những ý tưởng đơn giản, nhiều khu vực đã thiết kế những trò chơi vận động vui nhộn như ghép mảnh, phóng phi tiêu, giữ thăng bằng, đuổi hình bắt chữ… Ngoài ra còn nhiều hoạt động thú vị khác như triển lãm trưng bày góc tái chế, làm vật dụng trang trí từ rác thải, chiếu phim môi trường, triển lãm ảnh, tuyên truyền khả năng tận dụng của các vật dụng phế thải… Đặc biệt, hoạt động không thể thiếu, luôn thu hút sự chú ý của người tham dự là đổi túi nylon thông thường lấy túi nylon tự hủy; đổi chất thải nguy hại lấy quà; thu gom chất thải có thể tái chế như vỏ hộp sữa, chai PET, lon nhôm, giấy phế liệu… lấy quà. Dù trời nắng nóng nhưng bà con vẫn vui vẻ, trật tự xếp hàng chờ đến lượt mình. Ở khu trao đổi đồ dùng vật liệu cũ, các bạn sinh viên, học sinh còn tham gia đổi sách giáo khoa, tài liệu học tập, truyện, đồ dùng đã qua sử dụng với nhau nhằm tái sử dụng, giảm thiểu phát sinh chất thải.

Có mặt tại ngày hội, chị Nguyễn Ngọc Oanh (quận 3) cho biết chị đến cùng các bé và người thân trong gia đình. Những năm trước chị cũng tham gia ngày hội, năm nay chị gom được khoảng 300 hộp sữa đến đổi lấy cây xanh. Theo chị, chương trình này mang lại không khí rất vui tươi. Mặc dù vất vả nỗ lực gom góp cả năm trời nhưng với chị Oanh đó là điều rất nên làm. Bởi những món quà tuy nhỏ nhưng qua đó chị có thể hướng dẫn cho các bé ý thức vệ sinh môi trường, tái chế các vật dụng bỏ đi thành những đồ dùng có ích.

Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ mục tiêu cụ thể. Theo đó, đến năm 2015, chúng ta phấn đấu 60% chất thải sinh hoạt đô thị được tái sử dụng, tái chế; đến năm 2020 là 85% và 90% vào năm 2050. Để đạt được các mục tiêu nêu trên, người dân đóng vai trò quyết định. Do vậy, qua chương trình này chúng ta hy vọng rằng cộng đồng cư dân sẽ ngày càng ý thức hơn, cùng chung tay biến TP.HCM ngày càng trở nên xanh, sạch, đẹp.

NGỌC CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm