THU PHÍ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG Ở TP.HCM:

“Người gây ô nhiễm phải trả tiền”

Tuy nhiên, do được nhà nước bao cấp trong một thời gian dài nên khi tiến hành thu phí, người dân và chủ nguồn thải chưa quen và chưa hợp tác.

Phí là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân

Theo giải thích của Sở TN&MT TP.HCM, chủ trương của QĐ 88 là hoàn toàn đúng đắn và nhiều nước trên thế giới đã thực hiện vấn đề này. Do đó, người dân đóng phí vệ sinh chính là nghĩa vụ và quyền lợi của mình nhằm bảo vệ môi trường sống. Không chỉ vậy, trong mức phí áp dụng theo QĐ 88, người dân vẫn còn được nhà nước bao cấp phần lớn các vấn đề liên quan đến quản lý rác thải. Đồng thời, giảm dần việc bao cấp trong công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố vì hằng năm ngân sách thành phố phải chi hơn 900 tỉ đồng cho hoạt động vệ sinh bảo vệ môi trường của thành phố và tốc độ tăng chi phí này là hơn 10%/năm. Đây là một gánh nặng to lớn cho ngân sách. Nhà nước vẫn bao cấp nhiều chi phí xử lý và các dịch vụ công khác như quét đường, vận chuyển và xử lý rác...

Bảo vệ quyền và lợi ích của lực lượng rác dân lập

Hiện nay người lao động rác dân lập là những người lao động nghèo, ở các tỉnh, thành vào thành phố để làm công cho các chủ đường dây rác, mức lao động theo giá thỏa thuận của hai bên, không có bất kỳ chế độ và chính sách bảo hiểm nào.

“Người gây ô nhiễm phải trả tiền” ảnh 1

Hiện ngân sách thành phố vẫn phải chi hơn 900 tỉ đồng/năm cho việc thu gom, xử lý chất thải rắn; chi phí quét đường, vớt rác trên kênh rạch... Ảnh minh họa: PL

Do đó, QĐ 88 giúp đưa các chủ đường dây rác dân lập thành lập các công ty, khuyến khích hình thành các hợp tác xã hoặc những tổ chức có tư cách pháp nhân để từ đó các đối tượng này có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước, có trách nhiệm trước pháp luật đối với lực lượng lao động mình quản lý, giúp đưa lực lượng lao động nghèo này vào hoạt động trong các tổ chức có tư cách pháp nhân, hợp thức hóa và bảo vệ quyền lợi của người lao động nghèo đang làm công cho các chủ “đầu nậu” thông qua quy chế, điều lệ hoạt động của tổ chức theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, ngay khi triển khai QĐ 88, nhiều đường dây rác dân lập đã phản ứng tiêu cực và cho rằng thị phần rác dân lập bị thu hẹp. Lý giải về điều này, đại diện Sở TN&MT khẳng định thị phần dịch vụ thu gom của rác dân lập không mất đi mà còn được nhà nước chính thức công nhận. Việc chuyển nhượng đường dây rác trước đây không theo pháp luật và không được nhà nước thừa nhận. Trước hay sau khi có QĐ 88, nhà nước hoàn toàn không can thiệp vào việc chuyển nhượng đường dây rác của lực lượng rác dân lập hiện nay. QĐ 88 chỉ công khai hóa công tác thu gom của lực lượng rác dân lập và khẳng định chủ quyền hợp pháp của lực lượng này đối với dịch vụ thu gom tại một đường dây rác thông qua “hợp đồng dịch vụ với nhà nước”.

Quyền lợi của rác dân lập không giảm mà còn tăng

ý kiến cho rằng thu nhập của các tổ rác dân lập bị giảm so với trước khi ban hành QĐ 88. Về vấn đề này, Sở TN&MT cho biết theo số liệu đã khảo sát trong quá trình dự thảo Phương án thu phí để trình UBND TP.HCM báo cáo HĐND TP thông qua, mức thu tiền rác (trước khi ban hành QĐ 88) khoảng 5.000 đồng/hộ/tháng đến 15.000 đồng/hộ/tháng.

Công văn số 24/HD-GT-PC ngày 31-3-1990 của Sở Giao thông Công chánh (nay là Sở Giao thông Vận tải) hướng dẫn thực hiện bản quy chế về tổ chức hoạt động của lực lượng làm dịch vụ thu gom rác dân lập ban hành kèm theo QĐ số 5424/1998/QĐ-UB-QLĐT, trong đó có nội dung quy định về chi tiền lấy rác như sau: Mức chi trả cho người trực tiếp làm dịch vụ thu gom rác là 90% mức thu tiền lấy rác. Nếu căn cứ Công văn số 24/HD-GT-PC, mức chi cho đơn vị thu gom rác từ 4.500 đồng/hộ/tháng (90% x 4.500) đến 13.500 đồng/hộ/tháng (90% x 15.000)...

Trong khi đó, mức chi cho đơn vị thu gom rác theo Công văn số 2822/LCQ-TNMT-TC-CT từ 9.000 đồng/hộ/tháng đến 15.000 đồng/hộ/tháng.

Như vậy mức thu nhập của các tổ rác dân lập đã tăng từ 111% (15.000/13.500) đến 200% (9.000/4.500). Như vậy, việc thu phí theo QĐ 88 làm thu nhập của lực lượng rác dân lập không giảm đi mà còn tăng lên.

Vì sao phải giao cho phường/xã thu?

Trong QĐ 88 còn có những thắc mắc về việc vì sao lại giao cho phường/xã đứng ra thu. Một đại diện Phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN&MT) cho biết không có một quốc gia nào trên thế giới giao việc thu phí cho cá nhân không có tư cách pháp nhân như rác dân lập. Bởi vì “phí” là hình thức bắt buộc do nhà nước quy định, phải được nộp về ngân sách nhà nước và quản lý thu chi chặt chẽ; không giống như tiền dịch vụ do các bên tự thỏa thuận và tự giải quyết với nhau. Do đó, trong giai đoạn hiện tại, UBND phường hoặc xã chịu trách nhiệm thực hiện thu phí là hợp lý. Trong quyền hạn và trách nhiệm của mình, UBND phường/xã nếu quản lý tốt được nguồn thu phí có thể ủy quyền giao cho các cá nhân hoặc tổ chức thực hiện trực tiếp thu phí.

P.NGUYỄN tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm