NGUỒN NƯỚC CỦA TP.HCM (BÀI 2):

Nguồn nước trước nguy cơ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

C40 là một nhóm các thành phố lớn nhất trên thế giới cam kết có hành động về vấn đề biến đổi khí hậu. Là nơi ở của một nửa dân số thế giới và đang phát triển nhanh chóng, các thành phố này tiêu thụ hơn 2/3 năng lượng và chiếm khoảng 70% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Các thành phố này đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đang thể hiện tính dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Do vị trí sát biển và địa hình thấp, TP.HCM được tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã thế giới xếp hạng là một trong những thành phố trên thế giới dễ bị tác động của biến đổi khí hậu nhất. Vì vậy, chính quyền thành phố đang rất khẩn trương tham vấn các nhà khoa học và chuyên gia về việc cải thiện các chương trình thích ứng biến đổi khí hậu trước khi đưa vào thực hiện.

Tình hình biến đổi khí hậu sẽ làm thành phố gặp khó khăn về môi trường, sinh hoạt… Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường (ICEM) đã từng đưa ra kịch bản năm 2100, do biến đổi khí hậu, khoảng 43% diện tích TP.HCM sẽ bị ngập khi nước mực nước biển dâng cao 1 m. Hơn 600.000 người, hàng chục khu, cụm công nghiệp, cùng những vùng đô thị đang phát triển phồn thịnh nhất của thành phố sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì nước biển dâng.

Nguồn nước trước nguy cơ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ảnh 1

Với biến đổi khí hậu, liệu rằng 20-30 năm nữa, những vùng đất ở quận 7, Nhà Bè (TP.HCM) có còn như thế này không. Ảnh minh họa: PL

Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN&MT, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu TP.HCM, cho biết một số cơ quan chức năng hiện nay đang thực hiện các kế hoạch và dự án chuyên ngành. Điều này cho thấy tầm quan trọng của quy hoạch tổng thể về quản lý tài nguyên nước thành phố trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở nên cấp thiết.

Chuẩn bị kế hoạch ứng phó

Khu vực quanh TP.HCM là khu vực sản xuất và công nghiệp hóa mạnh nhất trong cả nước. Các nguồn cấp nước chất lượng tốt và đáng tin cậy là điều quan trọng đối với tính bền vững và sự phát triển hiện nay, đồng thời nhu cầu về nước sạch trong vùng được dự kiến là tăng 20% mỗi năm trong thời gian tới.

Do vậy, khối lượng và chất lượng nước sinh hoạt, khu đô thị và công nghiệp đang trở thành một vấn đề cấp bách. Điều này phần lớn là do dân số phát triển và sự xâm nhập mặn.

Ngoài ra, hồ chứa và nước ở khu trũng của sông Đồng Nai được bảo vệ và duy trì nhiều cách bằng một “mái nhà” là các khu rừng tìm thấy ở Khu bảo tồn thiên nhiên Vĩnh Cửu và rừng quốc gia Nam Cát Tiên (Đồng Nai). Các hệ thống rừng và sông ngòi được kết nối mật thiết với nhau, tác động lên yếu tố này sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến yếu tố kia, gây ra những hiệu ứng dây chuyền ở hạ tầng đối với nông nghiệp, nghề cá, du lịch, công nghiệp, năng lượng, hàng hải… Do đó cần phải có những kế hoạch giữ gìn và ứng phó với các tình huống.

Tại hội thảo, các chuyên gia về nước toàn cầu, biến đổi khí hậu và quy hoạch tổng thể của Arup đã phân tích những khó khăn đang tồn tại hiện nay của thành phố về quản lý tài nguyên nước bao gồm tình trạng ngập lụt đô thị, sự suy thoái nguồn nước ngầm và sự nhiễm mặn nguồn nước. Qua phân tích, các chuyên gia đã đề xuất biện pháp để xây dựng một khả năng linh hoạt cho thành phố, hướng về một quy hoạch tổng thể quản lý và hạ tầng nước.

Theo ông Mark Watts - Giám đốc Tập đoàn Arup, sự kết hợp của kỹ năng chuyên môn, tư duy bền vững hợp nhất và tư vấn chính sách của Arup là cơ sở để cung cấp giải pháp khả thi hỗ trợ TP.HCM trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và vấn đề về nước. Điều này có thể có ý nghĩa đối với TP.HCM trong 20 hoặc 30 năm tới.

NHƯ THỦY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm