Nhân rộng ý thức bảo vệ môi trường

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM, mỗi ngày TP thu gom, xử lý hơn 7.000 tấn chất thải rắn các loại. Hãy thử tưởng tượng, nếu chúng ta không có hệ thống thu gom rác thì TP này sẽ tràn ngập rác thải. Tuy vậy, hệ thống thu gom rác ấy dù hoạt động hoàn hảo đến mấy, nếu không có ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) của người dân cũng sẽ trở nên vô nghĩa.

Quan tâm đến môi trường

TP.HCM không chỉ là trung tâm về kinh tế-xã hội mà còn là nơi đào tạo về giáo dục. Chính vì thế TP sở hữu lực lượng học sinh-sinh viên (HS-SV) đông đảo, năng nổ, nhiệt huyết và có ý thức BVMT. Trong một khảo sát gần đây, hơn 91% HS cho rằng các em có áp dụng kiến thức về môi trường đã học vào cuộc sống hằng ngày và hơn 82% đã từng tham gia các hoạt động BVMT trong và ngoài trường học. Đa số HS cả ba cấp nói rằng mình có thực hiện “Trao đổi hoạt động BVMT với người khác”. Với SV, có hơn 85% các bạn cho biết đã từng tham gia các hoạt động BVMT. Đa số ý kiến đều thể hiện sự quan tâm của mình đến quy định “Bỏ rác đúng nơi quy định” và “Xử phạt các trường hợp bỏ rác bừa bãi”.

Để nâng cao ý thức BVMT ở các bạn HS-SV, một trong những phương pháp hiệu quả là truyền thông. Vì vậy khi còn ở nhà trường, các hoạt động tuyên truyền được tiến hành chủ yếu là Kế hoạch nhỏ, Chủ nhật xanh, Phân loại rác tại nguồn... Đặc biệt, hơn 92% HS cho biết ngoài kiến thức ở trường, các em còn tìm kiếm thông tin BVMT ở nhiều nguồn khác nhau để mở rộng hiểu biết của mình. Còn các bạn SV, nguồn tiếp cận rộng hơn từ xã hội, nhà trường, gia đình, nơi cư trú. Đa số ý kiến cho rằng truyền hình, Internet, sự kiện, phim ảnh là những công cụ truyền tải thông tin dễ hiểu, sinh động.

Dù trời nắng gắt nhưng các bạn HS-SV vẫn nhiệt tình tham gia đạp xe tuyên truyền trong chương trình về BVMT do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức. Ảnh: NGỌC CHÂU

Chơi mà học

Nắm được tầm quan trọng của vai trò truyền thông, thời gian qua Sở TN&MT TP.HCM liên tục tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa ý thức BVMT ở HS-SV. Chính sự khéo léo trong thiết kế nội dung và ý nghĩa thiết thực của các chương trình đã có tác động lớn đến cộng đồng cũng như tạo được chất keo kết nối các bạn HS-SV đến với nhau vì mục tiêu chung. Nếu ngày hội vẽ tranh BVMT dành cho các em HS thì chúng ta lại có cuộc thi sáng tác clip 3T dành cho đối tượng SV; thay thế các vật dụng thân thiện môi trường trong sân trường; trưng bày triển lãm các ý tưởng xanh; thiết kế túi giấy, góc học tập, thời trang BVMT; tranh tài cùng nhau làm vật dụng từ vật liệu tái chế...

Trong các chương trình do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức định kỳ hằng năm như Ngày hội tái chế chất thải, Ngày môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn... thì không thể thiếu hoạt động đạp xe qua các tuyến đường do các bạn HS-SV đảm nhiệm. Không ngại nắng, không quản mưa, các bạn đều nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ nhằm góp phần tuyên truyền ý thức BVMT đến cộng đồng.

HAT (ĐH Bách khoa TP.HCM) cho biết: “Hằng năm em đều cùng các bạn tham gia các sự kiện BVMT tại TP. Không chỉ tạo sân chơi thư giãn cho chúng em mà đó còn là những hoạt động rất bổ ích, ý nghĩa. Chúng em tuyên truyền, nhắc nhở nhau thông qua những giờ học nhóm hay các buổi đi chơi và tuyên truyền đến cả những bạn lớp khác. Chúng em cho rằng mình không cần phải làm những điều quá to lớn mà chỉ cần chú ý hơn trong cuộc sống thường ngày như bỏ rác đúng chỗ, không xả rác trong lớp học, không khạc nhổ, không bẻ cây xanh... Bản thân mình khi làm đúng sẽ tạo thói quen gương mẫu để các bạn khác làm theo”.

Biết rằng vẫn còn nhiều trường hợp tiêu cực, không ý thức BVMT nhưng kết quả khảo sát cho ta quyền được ước mơ, được hy vọng về một TP xanh. Và nếu mỗi người chúng ta cùng nhận thức, cùng nhau thực hiện thì chắc chắn ước mơ ấy đang đến rất gần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm