Những sản phẩm giá trị cao từ bao bì giấy

Sản xuất tấm kết dính

Từ nhiều năm nay, vỏ bao bì Tetra Pak cũng được tái chế để làm ra ván ép chống thấm với độ bền cao, được dùng trong xây dựng, công nghiệp chế tạo đồ gia dụng. Quy trình này bắt đầu từ một dự án nghiên cứu của Tetra Pak - Thụy Điển vào giữa những năm 1980. Toàn bộ vỏ bao bì Tetra Pak đều được tận dụng và không có chất thải. Với màu sắc đa dạng và sự bền vững của chất liệu, sản phẩm thu hút rất nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng.

Bao bì giấy cũng được đưa qua xử lý theo công nghệ plasma. Đây là quá trình xử lý phần nhựa và nhôm còn lại sau khi đã tái chế lấy phần giấy tại nhà máy giấy. Trong suốt quá trình này, chất nhựa sẽ trở thành paraffin và nhôm, được thu hồi dưới dạng thỏi. Nhôm tái chế được sử dụng để tạo ra lớp giấy nhôm mới, làm nguyên vật liệu cho các loại bao bì giấy. Paraffin sẽ được bán cho các ứng dụng trong các ngành công nghiệp khác nhau. Ngoài ra, công nghệ tái chế luôn hướng đến việc gây hại cho môi trường...

Chế biến thành phân trộn

Các thành tố của giấy bìa trong các hộp giấy đựng thức uống bị phân rã trong một môi trường có độ ẩm thích hợp. Nghiên cứu từ một tổ chức của Úc cho thấy các thùng đựng sữa được cắt nhỏ và chất thành đống sẽ bị phân hủy trong vòng 12-15 tuần ở nhiệt độ thích hợp. Như vậy có thể nói vỏ hộp giấy rất phù hợp cho các chương trình chế biến phân trộn. Sản phẩm cuối cùng này có thể được dùng như chất bổ sung cho đất hay phân bón.

Thu hồi năng lượng

Việc nghiên cứu vòng đời của sản phẩm cho thấy có thể thu hồi năng lượng qua việc xử lý rác bao bì. Ví dụ khi xử lý một tấn rác vỏ hộp có thể tạo ra một nguồn năng lượng tương đương với một tấn dầu. Bao bì carton loại một lít có thể chứa đủ năng lượng để thắp sáng một bóng đèn 40 W trong hơn một giờ. Cả hai loại bao bì dạng carton và nhựa đều là những nguồn nhiên liệu quý cho các lò đốt rác hiện đại thu hồi năng lượng. Bên cạnh đó, chúng lại được xem là rác đốt sạch. Đặc biệt, từ rác giấy đã sản xuất ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế như vỏ bút chì, giấy in danh thiếp, gỗ làm kệ sách hay bàn ghế, thùng gỗ, cây móc quần áo, xô chậu, khung tranh, đế giày, bao bì giấy các loại...

Chương trình “Bao bì Tetra Pak có thể tái chế, xin đừng vứt chúng đi”.
Chương trình “Bao bì Tetra Pak có thể tái chế, xin đừng vứt chúng đi”.

“Bao bì giấy, xin đừng vứt chúng đi”.

Đây là khẩu hiệu của chương trình bảo vệ môi trường và thu gom bao bì giấy trong các trường học do Tetra Pak Việt Nam và Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức từ nhiều năm qua.

Chương trình tổ chức thành công đã dẫn đến quyết định tham gia vào chương trình tái chế thử của nhà máy giấy Thuận An. Các sản phẩm như bao thư, túi giấy, danh thiếp được làm từ giấy tái chế đã được trao tặng cho các khách hàng và nhân viên của Tetra Pak với thông điệp “Bao bì Tetra Pak có thể tái chế, xin đừng vứt chúng đi” nhằm khuyến khích ý thức cao trong việc sử dụng các sản phẩm tái chế tại các văn phòng để góp phần bảo vệ môi trường đang sống. Qua chương trình “tái chế thử”, Tetra Pak đã tìm kiếm các nhà máy tái chế giấy từ vỏ hộp giấy nhằm chứng minh bột giấy của vỏ hộp giấy có chất lượng tốt và là loại rác có hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, chương trình giáo dục môi trường cho khối tiểu học là một trong số các hoạt động tiên phong dưới sự hỗ trợ của Sở GD&ĐT TP.HCM. Chương trình được bắt đầu vào đầu năm 2005 với mục tiêu đào tạo cho học sinh khối tiểu học ý thức về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên qua các hoạt động thực tế như phân loại, thu gom để tái chế vỏ hộp giấy. Kết hợp với Sở GD&ĐT TP.HCM, Tetra Pak tổ chức các lớp tập huấn cho trên 200 cán bộ, giáo viên đến từ 200 trường tiểu học để trở thành các tuyên truyền viên trong chương trình giáo dục môi trường tại khối trường học.

Qua những công cụ giảng dạy sinh động, các em được truyền đạt thông tin dưới nhiều hình thức phong phú như chuyện kể “Câu chuyện những chiếc vỏ hộp rỗng”; xem video, xem múa rối với thông điệp “Hãy phân loại và thu gom vỏ hộp sữa và nước trái cây và bỏ vào thùng rác tái chế để biến chúng thành những sản phẩm có ích”; tham gia các trò chơi xếp hộp giấy, phân loại và thu gom rác ngay tại trường. Đến nay đã có hơn 200.000 học sinh tiểu học tại TP.HCM được đào tạo theo chương trình này và trong năm 2006 đã có hơn ba tấn rác vỏ hộp giấy được thu gom và mang đến nhà máy tái chế.

Chương trình giáo dục môi trường dự kiến mở rộng trên toàn quốc trong những năm học kế tiếp nhằm tiếp tục xây dựng nên một thế hệ trẻ có ý thức và thói quen tốt trong việc bảo vệ môi trường .

PHI NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm